Sự thật của cái gọi là công lao đánh thắng... của Hồ và đảng CSVN - Dân Làm Báo

Sự thật của cái gọi là công lao đánh thắng... của Hồ và đảng CSVN

Le Nguyen (Danlambao) - Trong sinh hoạt đời thường của các hội hè đình đám hay trong quan hôn tang tế hay trong các nghi lễ tôn giáo thuộc quyền chi phối của nhà nước, chúng ta thường nghe những câu đại loại như “...Nhờ ơn bác, đảng... cám ơn chính quyền các cấp đã quan tâm, tạo điều cho chúng tôi...” và trên các phương tiện truyền thông, trong hệ thống giáo dục của đảng, nhà nước chúng ta thường nghe đề cao sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình đánh thắng các đế quốc, thực dân cũ mới là Pháp, Nhật, Mỹ lừng danh thế giới. Một đất nước nhiều anh hùng, ra ngõ là gặp anh hùng kiểu như Lê Văn Tám, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Chị ba Dũng Sĩ quê ở Trà Vinh, Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình...

Thế thì những gì đảng chỉ đạo tuyên truyền trong hệ thống tổ chức của đảng, trong các sách giáo khoa giảng dạy trong các trường phổ thông các cấp lên tận đại học hậu đại học. Chúng luôn kể về công lao của ông Hồ Chí Minh, của đảng cộng sản trong cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân, đế quốc giành độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho nước Việt Nam, là đúng với sự thật lịch sử hay đảng đã ngụy tạo, tiếm danh sửa đổi lịch sử để cướp công lẫn lợi dụng lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam?

Để biết được sự thật chúng ta cần lật lại những trang sử cũ bên ngoài những quyển sách, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục của đảng cộng sản. Đọc lại sử sách cũ chúng ta sẽ bắt gặp nhiều cá nhân, tổ chức tự phát do lòng yêu nước đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp có mặt từ rất lâu, trước khi đảng cộng sản ra đời, không do sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Những vị anh hùng dân tộc có thật đã truyền lửa đấu tranh đến toàn thể dân tộc Việt Nam của những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 gồm có:

1) Miền Nam có những tên tuổi tiêu biểu như ông Trương Công Định thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với câu nói để đời: “Chúng ta thề sẽ đánh mãi và đánh không ngừng, khi thiếu võ khí tất cả sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy gậy gộc làm võ khí cho quân lính ta...” và ông Nguyễn Trung Trực, người lãnh đạo đốt tàu giặc ở vàm Nhật Tảo, chiếm thành Rạch Giá bị giặc bắt vẫn tỏ khí phách “uy vũ bất năng khuất” khi ông bước lên đoạn đầu đài với yêu cầu giặc Pháp mở trói, không bịt mắt và ông hiên ngang bước ra giữa pháp trường, nhìn trời đất bao la, vẫy tay chào đồng bào để đi vào lòng đất mẹ lúc tuổi đời còn rất trẻ với câu nói để đời: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây.”

2) Miền trung có những lãnh tụ kháng chiến chống pháp như Đinh Công Tráng với Chiến Lũy Ba Đình và ông Phan Đình Phùng với câu nói lưu danh sử sách khi giặc bắt thân nhân của ông làm áp lực dụ hàng, ông đã khẳng khái thể hiện tinh thần yêu nước cao độ: “Tôi có một ngôi mộ rất to nên giữ là đất nước Việt Nam, có một ngôi mồ rất lớn là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về hàng, để sửa sang phần mộ của cha ông mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ?”

3) Miền Bắc có ông Nguyễn Thiện Thuật lập căn cứ kháng chiến chống Pháp nơi vùng sình lầy nên được gọi là Chiến Khu Bãi Sậy vang danh lịch sử và ông Hoàng Hoa Thám đã dùng chiến thuật du kích chiến kéo dài nhiều chục năm, gây tổn thất nặng nề, làm cho giặc Pháp mất ăn mất ngủ nên được nhân dân ưu ái đặt cho biệt danh là Hùm Thiêng Yên Thế.

Đặc biệt, tất cả các lãnh đạo các tổ chức đấu tranh vừa kể, đa số xuất thân từ chốn quan trường nhận bổng lộc vua ban và hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương của vua chúa triều đình nhà Nguyễn. Thế nhưng khi triều đình nhu nhược ký kết nhượng đất cho quân xâm lược, ra lệnh cho các ông ngưng chiến nhưng các anh hùng dân tộc trong kháng chiến đánh Pháp bất chấp lệnh vua ban, quyết chiến đấu đến cùng. Có lẽ, mọi người đều biết trong thời quân chủ vua là con trời, trái ý vua sẽ phải tội tru di tam tộc, thậm chí đến cửu tộc nhưng họ bất chấp hậu quả, xem thường hành động nhu nhược bán nước của giai cấp cầm quyền, tiếp tục chiến đấu cho nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. 

Tiếp nối tinh thần bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm của tiền nhân của những năm cuối thế kỷ 19, thập niên đầu của thế kỷ 20 lại có thêm phong trào Duy Tân với mục tiêu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do ông Phan Chu Trinh khởi xướng (1904-1908). Cùng với phong trào Duy Tân là phong trào Đông Du do ông Phan Bội Châu phát động đưa thanh niên ra nước ngoài huấn luyện, học tập làm nòng cốt cho kháng chiến (1904- 1908), kế tiếp là Đông Kinh Nghĩa Thục do nhóm ông Lương Văn Can chủ xướng qua hình thức giáo dục nhưng thực chất là vận động toàn dân tham gia kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp (1907). 

Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ hai mươi nhiều tư tưởng tiến bộ lẫn biến động thế giới ảnh hưởng đến tinh thần đấu tranh của cách mạng Việt Nam: Một là cuộc cách mạng Tam Dân (dân sinh dân chủ dân quyền) năm Tân hợi năm 1911 do Tôn Dật Tiên lãnh đạo ở Trung Hoa; Hai là chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918); ba là cuộc cách mạng lật đổ Nga hoàng tháng mười năm 1917 do Lenin lãnh đạo. 

Có thể nói biến động của thế giới trong giai đoạn này ảnh hưởng không ít đến tư tưởng lẫn phương thức tổ chức đấu tranh của những người Việt Nam yêu nước. Thế cho nên, từ đó các đoàn thể, hiệp hội, đảng phái lần lượt ra đời đáp ứng tình hình đấu tranh với mô thức đấu tranh mới, trong đó đảng cộng sản chỉ là một trong nhiều tổ chức, đảng phái chính trị, lực lượng yêu nước tham gia đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập chủ quyền cho dân tộc Việt Nam. 

Đọc lịch sử có thể nhận ra tất cả phong trào kháng chiến chống ngoại xâm theo truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thể hiện ngay từ khi giặc Pháp có dã tâm chiếm đóng nước ta và đảng cộng sản cũng chỉ là một trong số đảng phái, phong trào yêu nước, che dấu tung tích, núp bóng dân tộc góp mặt đấu tranh bên cạnh các đảng phái cách mạng khác như:

Miền Bắc có: Việt Nam Quốc Dân Đảng; Đại Việt Quốc Xã; Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội; Đại Việt Duy Dân; Đại Việt Quốc Gia Liên Minh; Đại Việt Dân Chính; Đại Việt Quốc Dân Đảng; Mặt Trận Việt Minh; Đông Dương Cộng Sản Đảng...

Miền Nam có: Đảng Cộng Hòa Xã Hội (Cao Đài); Đảng Dân Xã (Hòa Hảo); Đảng Xã Hội Việt Nam; Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng; Tân Việt Quốc; Việt Đoàn Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội; Thanh niên Tiền Phong, Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp; Phong Trào Bình Dân Nam Kỳ... 

Tất cả các lực lượng yêu nước đó liên tục đấu tranh cho mục tiêu độc lập dân tộc cho đến lúc Hồ Chí Minh chớp thời cơ, cướp chính quyền từ chính phủ trần trọng Kim đã được chính phủ Nhật Bản trao trả lại chính quyền sau khi thua trận trong thế chiến lần hai (1939-1945) và chuyện ông Hồ đọc tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 ở Hà Nội. Thực chất ông ta cũng chỉ là đại diện cho chính phủ liên hiệp gồm các tổ chức, đảng phái, lực lượng dân tộc yêu nước chứ không chỉ có riêng đảng cộng sản như họ tuyên truyền. Cụ thể là ngay sau đó không lâu, ngày 11/11/1945 ông Hồ Chí Minh đã phải tuyên bố giải tán Đông Dương Cộng Sản và núp dưới danh nghĩa Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác để tranh thủ toàn dân ủng hộ chính phủ liên hiệp do ông Hồ Chí Minh làm đại diện. 

Từ đây, ông Hồ Chí Minh bắt đầu giở thủ đoạn, gian manh chính trị theo mô hình tổ chức khủng bố, bạo lực cách mạng của Lenin, Stalin, Mao và làm theo chỉ thị từ cộng sản quốc tế. Ngoài mặt Hồ khoát áo dân tộc che dấu tung tích tay sai cộng sản quốc tế kêu gọi các tổ chức đảng phái đấu tranh, hòa hợp hòa giải thành lập chính phủ liên hiệp nhưng thực chất là chiêu dụ các đảng phái chính trị tham gia chính phủ liên hiệp, nằm dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản do ông ta lãnh đạo để thực hiện ý đồ đen tối của cộng sản quốc tế và những ai không theo thì ông ta ra lệnh ngầm cho tay chân thuộc hạ tiêu diệt không nương tay, kiểu như hàng sống chống chết.

Đến khi thanh toán được các đối thủ chính trị, số bị thủ tiêu, số trốn chạy ra nước ngoài lánh nạn. Hồ Chí Minh sử dụng bộ máy tuyên truyền vận động lòng yêu nước vốn có trong truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam vào cuộc toàn quốc kháng chiến 1945-1954. Trước khi chiến tranh kết thúc một năm tức vào năm 1953, cộng sản Việt Nam nhận chỉ thị của cộng sản quốc tế phát động phong trào cải cách ruộng đất “trí, phú, địa, hào đào tận gốc, tróc tận rễ” đấu tố xử tội, tịch thu đất đai, tài sản chia cho bần cố nông, chiến dịch kéo đài đến năm 1956. 

Tiếp theo cải cách ruộng đất là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm do những trí thức văn nghệ sĩ đã góp một phần xương máu, cả thời tuổi trẻ cho kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp nhưng cộng sản lúc này núp dưới tên đảng lao động trở mặt không thực hiện tự do, dân chủ nên họ lên tiếng yêu cầu nhà nước thực thi tự do, dân chủ cho Việt Nam nhưng tất cả đều bị trấp áp dã man. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm được khởi xướng năm 1955 bị đàn áp thô bạo và bị dập tắt năm 1958.

Bước sang năm 1959, các mầm móng chống đối cộng sản đã không còn là nguy cơ đe dọa chế độ nên cộng sản qua Hội nghị Trung ương Đảng Lao động lần thứ 15 công khai chiêu bài chống Mỹ cứu nước thực hiện dã tâm thôn tính Miền Nam theo chỉ đạo của cộng sản quốc tế, ra quyết định: "Phải qua con đường đấu tranh cách mạng bằng bạo lực, cụ thể là dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ và tập đoàn quân sự tay sai của Mỹ...”

Từ quyết định đó cộng sản tuyên truyền trong dân chúng về tội ác Mỹ Ngụy, về thực dân kiểu mới tưởng tượng bằng những hư cấu mà thực dân mới áp đặt nền thống trị độc ác lên người dân miền Nam và chế độ tay sai Mỹ ác ghê lê máy chém khắp Miền Nam. Rằng thì là... dân chúng bị áp bức bóc lột tàn tệ như nô lệ, đói khổ đến nỗi không có chén để ăn cơm, phải ăn bằng gáo dừa khô thay chén. Họ tuyên truyền ngày đêm “không có gì quý hơn...” kêu gọi nhân dân Miền Bắc thắt lưng buộc bụng, tất cả phải hy sinh cho giải phóng Miền Nam “đánh thắng giặc mỹ chúng ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Bên cạnh tuyên truyền dối về Miền Nam khốn khổ, chúng bưng bít thông tin cấm nhân dân cán bộ, đảng viên nghe đài “địch” xuyên tạc, nói xấu chủ trương, chính sách, thành tựu của đảng, gây hoang mang chao đảo mất niềm tin của nhân dân đối với đảng! 

Rồi một ngày của năm 1975, ngày đoàn quân vào giải phóng thủ đô Sài Gòn, trong đoàn quân chiến thắng đã có người ngồi gục xuống bên vệ đường khóc nức nở, vì hiểu ra rằng mình đã bị đảng lừa, tiếp theo sau là những người tập kết ra Bắc lúc đất nước chia đôi năm 1954 trở về với vài món quà “quý” từ hậu phương lớn Miền Bắc đã phải lúng túng, vụng về đến xấu hổ khi nhìn thấy sự phát triển trù phú sung túc của một miền Nam bị Mỹ Ngụy kiềm kẹp nghèo nàn khốn khổ mà họ được học tập để quán triệt và nghe ra rả trên các loa đài của đảng trong thời gian của cái gọi là “giải phóng miền nam?”

Thế rồi theo thời gian sự thật dần lộ ra, chiêu bài được gọi là chống mỹ cứu nước bị chính kẻ cầm đầu cuộc chiến ở Miền Nam là Lê Duẩn tuyên bố: “Ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc, đánh cho phe xã hội chủ nghĩa.” Song song đó, còn có nhiều câu nói của nhiều thế hệ lãnh đạo cộng sản phát ngôn tương tự như thế và có cả hành động tay sai cho cộng sản quốc tế nhưng mở mồm ra là chửi bới những người không chấp nhận độc tài, độc ác cộng sản là tay sai, việt gian, phản động, bán nước!

Đọc lại lịch sử hào hùng của thời kháng chiến chống thực dân Pháp của tiền nhân cho đến quan sát thực tiễn hiện nay. Cũng như nhìn lại nhiều thập kỷ “đời ta có đảng” không khó để chúng ta nhận ra rằng công lao kháng Pháp, chống Nhật, đánh Mỹ đúng thật nhất chỉ là cú lừa “vĩ đại” của cộng sản đối với dân tộc Việt Nam và hậu quả của nó vẫn còn rất nghiêm trọng bởi còn nhiều người hiểu lệch lạc, biết chưa đúng lẫn ngộ nhận về cái được gọi là công lao của ông Hồ chí Minh, của đảng cộng sản trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Tất cả đều là tuyên truyền dối trá với tài liệu, sách giáo khoa lịch sử bị vo tròn bóp méo, viết theo chỉ đạo, viết theo lập trường nhiều hư cấu bịa đặt, không đúng với sự thật lịch sử, chỉ nhằm phục vụ mục đích chính trị của đảng. Thế cho nên, không thể chê trách những thế hệ sanh sau đẻ muộn bị nhồi nhét những điều không thật của lịch sử nên hiểu lệch lạc, biết không đúng lẫn ngộ nhận về nhân vật Hồ Chí Minh, về đảng cộng sản Việt Nam. 

Có thể thấy, không chỉ có thế hệ trẻ sinh sau cuộc chiến hiểu lệch lạc, biết không đúng lẫn ngộ nhận mà còn có những người tham gia tổ chức cộng sản ngộ nhận về cộng sản. Có nhiều người phân vân tự hỏi: 

Tại Sao con người cộng sản thời chiến dũng cảm, trong sạch đạo đức, sống thanh cao đầy nghĩa khí?

- Xin trả lời rằng đó là do phẩm chất nền tảng đạo đức, nếp sống đùm bọc yêu thương theo truyền thống dân tộc chưa bị cộng sản phá nát, đào tận gốc tróc tận rễ và những người gia nhập cộng sản thời kháng chiến chống Pháp phát xuất từ truyền thống yêu nước chân chính của tiền nhân. Họ không hiểu cộng sản “tròn méo” như thế nào, chỉ nghe tuyên truyền loáng thoáng đảng là tổ quốc, tổ quốc là đảng, yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, họ chỉ hiểu mơ mơ màng màng rằng thì là cộng sản sẽ đưa dân tộc mình lên thiên đường. Ở đó không còn người bóc lột người, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, tập thể làm chủ, nông dân có ruộng cày, công nhân làm chủ nhà máy... Rồi cùng dắt tay nhau đi đến thế giới đại đồng, xóa bỏ biên giới quốc gia, không còn cảnh sát công an, không còn nhà tù giam người yêu nước, không còn người bóc lột người... 

Đến hôm nay sự thật trần trụi về cộng sản đã phơi ra nhưng những người kháng chiến năm xưa vẫn nghĩ mình là người cộng sản: cộng sản chân chính! Thật ra họ đã ngộ nhận, họ chỉ có cái vỏ cộng sản chứ không thể trở thành người cộng sản khi trong lòng họ vẫn còn phân biệt được đúng sai, phải trái, thiện ác biết bất bình phẫn nộ trước bất công theo nếp nghĩ chung của dân tộc và nhân loại. 

Lẽ khác, những người kháng chiến cũ, những lão thành cách mạng, không đủ trí năng tưởng tượng ra bản chất cộng sản như nó đang là độc ác gian tham, tội lỗi ngất trời. Biết thế, chắc chắn họ đã không tiếp tay cho gian đảng cộng sản xây trại lính, trại tù trên đất nước Việt Nam. Tiếc thay đến bao giờ họ mới nhận ra mình đã ngộ nhận về cộng sản, về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, về công lao đánh đuổi... về không có gì... trong đống con chữ đã qua sử dụng được tái chế, phục vụ công tác tuyên truyền dối trá của csVN đến bao giờ... Ngộ nhận cho đến bao giờ hở ông bà kháng chiến cũ, lão thành cách mạng?

18/9/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo