Giải thể độc tài chuyển qua dân chủ là sự cần thiết khách quan - Dân Làm Báo

Giải thể độc tài chuyển qua dân chủ là sự cần thiết khách quan

Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Sự tồi tệ của đất nước ngày nay và nguy cơ mất độc lập - chủ quyền bắt nguồn từ sự áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin và chế độ độc đảng. Nên từ bỏ ý hệ cộng sản và chuyển hóa độc tài qua dân chủ là một yêu cầu cấp bách. Chỉ có dân chủ hóa đất nước mới là thoát lộ cho đất nước ra khỏi thảm trạng tụt hậu và lệ thuộc Trung Cộng. Chế độ độc đảng cộng sản đã bị giải thể ở nhiều quốc gia trên thế giới, sớm muộn cũng phải thay đổi toàn diện ở Việt Nam, mọi sự níu kéo chỉ là tạm thời. Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách đế phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn.

*

Khi nào chế độ thay đổi?

Chế độ chính trị sẽ phải thay đổi khi tình hình đất nước có những đặc trưng:

- Lãnh đạo thối nát, chia rẽ và bất lực trước những vấn nạn chính trị, kinh tế và xã hội;

- Mâu thuẫn giữa giai tầng thống trị và các tầng lớp dân bị trị mỗi lúc sâu sắc;

- Quần chúng bất mãn và mất niềm tin vào chế độ;

- Các hoạt động đối kháng của người dân gia tăng và diễn ra ngày càng có tổ chức;

- Mô hình phát triển không còn phù hợp cho sự canh tân quốc gia và xu thế thời đại.

Sự thay đổi diễn ra dưới hình thức nào sẽ tùy thuộc vào điều kiện từng nước. Trong thời gian qua thế giới đã chứng kiến các biến cố chính trị xảy ra ở các nước Bắc Phi, Trung Đông, Nam Mỹ Đông Âu và Á Châu, chẳng hạn:

- Nhân dân bất mãn nổi dậy với sự hỗ trợ của báo chí, truyền thông và xã hội dân sự đã chủ động cuộc cách mạng ở Tunisia, Ai Cập và Yemen.

- Các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tự giải thể chế độ độc đảng cộng sản để chuyển qua dân chủ tự do.

- Các quốc gia độc tài ở Irak, Lybya và A Phú Hãn thay đổi nhờ sự can thiệp của quốc tế.

- Tại Miến Điện-Đông nam Á, giới quân nhân cầm quyền hợp tác với đối lập thực hiện bầu cử tự do để dẹp bỏ chế độ quân phiệt. 

Tất cả các quốc gia cải cách chính trị đều là những chế độ độc tài. Các nước độc tài, độc đảng còn sót lại trên thế giới trong đó có Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) cũng sẽ không tránh được tiến trình giải thể vì dẹp bỏ độc tài chuyển qua dân chủ là một tiến trình tự nhiên và là một sự cân thiết khách quan. 

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chế độ không?

Trong tình hình hiện nay cải cách là vấn đề sống còn của Việt Nam, là yêu cầu cấp bách. Sự phát triển của đất nước bị kìm hãm hàng chục năm qua chủ yếu là do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin, một ý thức hệ mang đến cho nhân loại lợ ít hại nhiều và đã bị nhiều nước trên thế giới vất bỏ. Vậy mà Đảng vẫn nhấn mạnh lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa. 

Trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng 3/2/2000, tổng bí thư Lê Khả Phiêu tuyên bố: "Chúng ta đã đổi mới, nhưng chúng ta quyết không đổi mầu. Những khó khăn và những thử thách sẽ không ép buộc được chúng ta đi ra ngoài con đường xã hội chủ nghĩa".

Nhân 100 ngày sinh của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vào ngày 1/07/2015, tân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong diễn văn "Trong điều kiện nước ta, không có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động. hoạt động chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ. Đó là điều mà nhân dân ta dứt khoát không chấp nhận".

Trong Báo cáo trước Đại hội 12 vào tháng giêng 2016, Nguyễn Phú Trọng đã lập lại "con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử".

Những tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng và giới lãnh đạo cho thấy Đảng không muốn cải cách và sẽ tìm đủ cách để duy trì, bảo vệ chế độ độc đảng XHCN. Tuy nhiên đây là ý đảng chứ không phải ý dân. Thực trạng đất nước và hiện trạng nôi bộ đảng đang tạo ra thời cơ và thuận lợi cho tiến trình cải cách toàn diện chế độ độc đảng.

Thực trạng đất nước

Trong 40 năm qua, ĐCSVN đã khai thác tối đa các nguồn lực cũng như thay đổi liên tục các chính sách cho sự phát triển đất nước, nhưng đến nay Việt Nam vẫn tụt hậu. Quốc gia đang đứng trước những vấn nạn: Lợi tức bình quân đầu người quá kém so với các quốc gia láng giềng - mức tăng trưởng thấp - công nghiệp lệ thuộc nước ngoài, nợ công, nợ doanh nghiệp quốc doanh và nợ nước ngoài chồng chất – số doanh nghiệp phá sản tăng nhiều - tham ô, lãng phí tràn lan - tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm và bất công xã hội ngày càng trầm trọng.

Sự bế tắc phát triển của mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN

Sau những thất bại trong giai đoạn 1976-1985 Đảng thay đổi sách lược chuyển nền kinh tế chỉ huy sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Thời kỳ 1986-2000 gọi là thời kỳ "Đổi mới". Nền kinh tế dần dần được thị trường hóa. Song Đảng vẫn chủ trương kinh tế quốc doanh là chủ đạo, chi phối các thành phần khác.

Năm 2000, tổng sản lương nội địa (GDP) bình quân đầu người đạt 396 USD tăng lên 1061 USD vào năm 2010.

Việt Nam có độ tăng tưởng kinh tế khoảng 5,88% trong giai đoạn 2011-2015, mức chậm nhất kể từ năm 2010.

Tổng sản lượng nội địa (GDP) năm 2015 đạt khoảng 204 tỉ USD, bình quân đầu người 2.228 USD.

Vì kiên trì theo đuổi mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một sự pha trộn chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội cũng như trì hoãn cải cách thể chế, nên nền kinh tế quốc gia đã không phát triển thực sự. Việt Nam đã tụt hậu hàng chục năm so với các quốc gia trong khu vực...

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 bằng 3/5 Indonesia, 2/5 Thái Lan, 1/5 Malaysia, 1/15 Hàn Quốc và 1/27 của Singapore. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đi sau Thái Lan 20 năm, Malaysia 25 năm, Hàn Quốc 30-35 năm…

Công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới

GDP bình quân đầu người vào năm 2014 của Việt Nam (2032 USD), Singapore (56.284 USD) và Malaysia (11.307 USD). Sau 29 năm “đổi mới” lợi tức đầu người của Việt Nam tăng 401% trong khi Singapore tăng 836 % và Malaysia tăng 727%. cũng với khoảng thời gian tương tự.

Ngày 23.02.2016 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam công bố lộ trình phát triển tới năm 2035. Theo đó nếu Việt Nam nghiêm túc cải cách thể chế kinh tế và chính trị theo các khuyến cáo, thì cũng phải 20 năm nữa người Việt Nam mới có mức thu nhập tương đương các nước láng giềng như Mã Lai ở thời điểm 2010. 

Trong 124 nền kinh tế trên thế giới được Ngân hàng thế giới (World Bank) đánh giá, có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình, trong đó có 35 nước đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nhưng chỉ có 13 nước đã vượt qua được cái bẫy này để trở thành những nước có thu nhập cao. Ở khu vực Đông Á có 5 nền kinh tế là Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore nằm trong số đó.

Thường các nước bị sa vào bẫy thu nhập trung bình khi tốc độ tăng trưởng bị trì trệ kéo dài nhiều năm mà không vượt qua được mức thu nhập trung bình (khoảng từ 2000 đến 4000 USD/năm). Việt Nam thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp. 

Đất nước phát triển, nhân dân có đời sống sung túc chủ yếu là do thiện chí và khả năng của những người lãnh đạo quốc gia. Sau đệ nhị thế chiến 2 nước Đức và Nhật chỉ cần 70 năm (1945-2015) để đi lên từ hoang tàn, đổ nát của một quốc gia chiến bại trong chiến tranh, trở thành một quốc gia cường thịnh nhất nhì trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người là 45,588 dollars/năm (Đức) và 37,390 dollars/năm (Nhật). Nam Hàn là nước có một hoàn cảnh, ví trí địa dư tương tự như Việt Nam, cũng chịu chiến tranh, cũng bị chia cắt Bắc Nam nhưng chỉ trong 62 năm (1953-2015) chính phủ Nam Hàn đã xây dựng đất nước của họ từ nghèo nàn, lạc hậu thành một quốc gia tiên tiến về mọi mặt với thu nhập bình quân đầu người là 35,277.00 dollars/năm. Trong khi tại nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam "đỉnh cao của trí tuệ" đã làm được gì cho tổ quốc và nhân dân Việt Nam sau 70 năm độc quyền cai trị? Chiến tranh, tai họa, hận thù và tụt hậu với thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 dollars/năm!.

Bộ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại Đại Hội Đảng lân thứ 12 "Việt Nam vẫn là nước nghèo... So sánh là khập khiễng, nhưng chúng ta đã có 40 năm hòa bình, 30 năm đổi mới. Đây là thời gian tương đương với thời gian để Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc từ nghèo nàn, lạc hậu trở thành những nền kinh tế phát triển”. Nhìn lại 30 năm qua, ông Vinh nhận xét: “Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa, đặc biệt là nền kinh tế trong thời kỳ chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí trở thành rào cản. Vì vậy, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu cấp bách”.

Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc nước ngoài, nhất là Trung Quốc

- Khu vực đầu tư nước ngoài (FDI)

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.6.2015, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 18.529 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 257,8 tỷ USD, Trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đổ hơn 37 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam với 2.661 dự án, đứng thứ hai sau Hàn Quốc...

Các nước thuộc Đông Nam Á (ASEAN) rót hơn 54 tỷ USD vào Việt Nam với 2.632 dự án... Các dự án FDI của ASEAN đầu tư vào Việt Nam chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 1.009 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 22,2 tỷ USD, chiếm 40,8% vốn đầu tư đăng ký lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 97 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký với 16,6 tỷ USD, chiếm 30,4%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 175 dự án đầu tư đăng ký và tổng vốn đầu tư 3,24 tỷ USD, chiếm 5,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Còn lại là các lĩnh vực khác. Về nguồn vốn đầu tư, Singapore dẫn đầu với 1.428 dự án, tổng vốn đầu tư là 32,2 tỷ USD, chiếm 60,8% tổng vốn đăng ký; đứng thứ 2 là Malaysia với 499 dự án, tổng vốn đăng ký là 12,06 tỷ USD, chiếm 22,1% tổng vốn đầu tư; Thái Lan đứng thứ 3 với 392 dự án, tổng vốn đầu tư là 6,8 tỷ USD chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư.

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc cao vào xuất cảng và đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực FDI với vốn đầu tư lớn, công nghệ và khả năng quản lý hiệu quả đã trở thành bộ phận quan trọng nhất trong nền kinh tế, chiếm tới hơn 70% tỷ trọng xuất khẩu của cả nước trong năm 2015 và là bộ phận có mức xuất siêu lớn nhất trong nền kinh tế.

Xuất khẩu hàng hóa năm 2015 ước tính đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực trong nước ước tính đạt 47,3 tỷ USD, giảm 3,5%.

Không chỉ chiếm một tỷ trọng áp đảo trong xuất khẩu, mà ngay cả những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhất và đem lại nhiều giá trị nhất cho Việt Nam hiện nay cũng đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. Ở thời điểm hiện tại Việt Nam đang là nước phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu khi đóng góp tới 83% GDP. Điều này chắc chắn sẽ còn tiếp tục diễn ra trong ít nhất là hơn 20 năm tới, khi mà Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa vì lợi tức đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp... Điều này có nghĩa là Việt Nam có thể sẽ rơi vào tình trạng cơ cấu nền kinh tế mất cân bằng nghiêm trọng trong tương lai khoảng 10-15 năm tới, khi mà khối doanh nghiệp FDI rời Việt Nam và chuyển sang các quốc gia khác... 

Ngoài những tính toán chính trị và thương mãi, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế lương công nhân thấp, giá năng lượng rẻ, ưu đãi thuế vụ cũng như ít bị ràng buộc về luật lao động và môi trường. Vì thiếu công nghệ phụ liệu và khả năng đảm nhận chuyển giao kỹ thuật nên Việt Nam đến nay không hưởng lợi nhiều từ khu vực FDI cho sự phát triển đất nước. Thậm chí xã hội còn phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng vì nạn ô nhiễm (Bô-xít, Vũng Áng...) và tham nhũng gây ra bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp trong nước phải giải thể vì không đủ sức cạnh tranh. Nói chung Việt Nam chẳng thâu lợi gì ở khu vực FDI ngoài việc trưng dụng nhân công cho các công việc gia công, lắp ráp, bao bì… 

- Kinh tế phụ thuộc Trung cộng

Thiếu hụt cán cân thương mại trên chục tỷ USD trong quan hệ buôn bán với Trung Cộng là căn bệnh thường niên của Việt Nam. Năm 2013 Việt Nam nhập siêu gần 24 tỷ USD, năm 2014 con số nhập siêu từ Trung Quốc tăng gần 29 tỷ USD, tính đến tháng 10.2015 tổng kim ngạch xuất nhập Việt-Trung đạt 58,7 tỷ USD, nhập siêu là 26,833 tỷ USD tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm 2014...

Các mặt hàng chủ chốt mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là các nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất hàng hóa ở Việt Nam, mà một phần lớn là để xuất khẩu như vải, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy và các loại linh kiện máy móc thiết bị. Như vậy, quá trình sản xuất hàng hóa của các lĩnh vực quan trọng nhất ở Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc. Sự yếu kém của các ngành công nghiệp trong nước cũng khiến Việt Nam lệ thuộc phần nhiều vào sự cung ứng máy móc, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một yếu tố khác, Trung Quốc đang ảnh hưởng mạnh đến kinh tế Việt Nam, là tiền tệ và tài chính. Việc Việt Nam có mức độ trao đổi kinh tế thương mại rất lớn với Trung Quốc khiến cho những biến động tỷ giá của đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc dễ dàng tác động tới tỷ giá đồng tiền Việt Nam. Chẳng hạn như việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ sẽ buộc chính phủ Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá đồng VND để tránh những bất lợi trong thương mại với Trung Quốc, nhưng điều này khiến tỷ giá VND với USD bị thay đổi và ảnh hưởng lớn tới hàng loạt các doanh nghiệp khác.Đặc biệt đồng nhân dân tệ vừa được quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công nhận là một trong năm đồng tiền dự trữ trên thế giới, thì áp lực này sẽ tăng lên một khi Trung Quốc có thể dựa vào sự phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam để buộc phải sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch thanh toán giữa hai nước.

Dù Việt Nam có ký bao nhiêu hiệp định kinh tế thương mại đi nữa, nhưng nếu không có sự chuyển hướng chính trị mạnh mẽ, thì sự chi phối của kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn tác động. Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng Âu Châu (EU) và các nước ký kết Hiệp định thương mại tư do (TPP và EVFTA) có muốn giúp Việt Nam thoát sự lệ thuộc kinh tế của Trung Quốc qua hàng loạt các quy định, thì trước hết ĐCSVN phải có quyết tâm "thoát Trung" đưa Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng Trung Quốc....

- Nợ cộng nước chồng chất

Nợ công, tính đến cuối năm 2014, tổng nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương ước tính là 2,35 triệu tỉ đồng (khoảng 110 tỉ đô la). Riêng nợ nước ngoài là 65,46 tỷ USD tương đương 41,5% tổng sản lương nội địa (GDP).

Vào tháng 5/2016, chuyên gia kinh tế Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh cho rằng nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì nợ công của Việt Nam có lẽ lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 220 tỷ USD. Thậm chí có những đánh giá không chính thức cho rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang vào khoảng 150%/GDP, tức lên đến khoảng 300 tỷ USD, hoàn toàn có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam bị phá sản trong ít năm tới.

Tính đến 2015, các doanh nghiệp nhà nước vay 1,6 triệu tỷ VNĐ, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả, và có thể mất khả năng thanh toán.

Nợ xấu trong các ngân hành tăng vì sự tổ chức yếu kém của các tổ chức tín dụng. Tình trạng thiếu cơ chế giám sát, quản lý không minh bạch đã dung dưỡng cho căn bệnh lãng phí, quan liêu, tham nhũng hoành hành, khiến nguồn vốn lớn bỏ ra không thu hồi được, làm gánh nặng nợ xấu tăng lên. Một đặc điểm của chính sách kinh tế Việt Nam là lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo và chính sách khiếm hụt ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng. Doanh nghiệp nhà nước được cấp tín dụng khá dễ dãi từ hệ thống các ngân hàng thương mại nên nhiều doanh nghiệp nhà nước vay mượn xả láng và sử dụng đồng vốn một cách vô trách nhiệm. Nợ xấu ở Việt Nam còn gắn chặt với kinh doanh bất động sản. Nhìn thấy lợi nhuận khổng lồ trong bất động sản, lợi dụng chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhà nước, nhiều DNNN đã nhảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản thay vì hoạt động sản xuất...

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2015, nợ xấu khoảng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa tính đến 243.000 tỷ đồng nợ xấu đang "mắc kẹt" tại Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Công ty VACM có chức năng mua lại nợ xấu hoặc tìm mọi cách mượn tiền (phát hành trái phiếu, vay nước ngoài...) để trả nợ.

Có 2 tác nhân khiến cho nợ công của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công.

Đối với vốn vay cho DNNN lâu nay chúng ta không tính vào nợ công, nhưng đáng ra là phải tính. Đầu tư công cũng vậy, hệ thống quy hoạch, trách nhiệm quản lý quy hoạch, sự phân công, phân cấp quản lý cho các địa phương rất yếu kém, nên tạo ra những chuyện tranh nhau làm dự án, đua nhau làm trụ sở, đền đài, lăng tẩm… bất chấp Ngân sách nhà nước (NSNN) có còn tiền hay không. Vì thế nợ công của các địa phương được cộng dồn lại và đẩy lên Trung ương. Cuối cùng tất cả nợ đó đổ hết lên vai người dân, lên thế hệ tương lai.

Từ năm 2014, những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã bắt đầu siết lại quy chế và các điều kiện cho vay tín dụng. Đan Mạch, Thụy Điển, Úc... cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đối với chính phủ Việt Nam. Vào tháng 3/2016, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) tuyên bố chấm dứt cho vay ưu đãi. Trong suốt giai đoạn 1994- 2014, Việt Nam đã vay mượn đến 80 tỷ USD vốn ODA.

Hiện thời, nợ công của Việt Nam đã lên khoảng 1,500 USD/ đầu người. Nhưng trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Cả hiện tại và tương lai đều bế tắc với các khoản nợ nước ngoài đang đến hạn và sẽ đến hạn. Ngay trước mắt, chính quyền đang tìm đủ mọi cách để đè đầu dân chúng thu thuế nhằm bù đắp khó khăn ngân sách, nhưng ai cũng hiểu trong đó có phần để trả nợ nước ngoài. 

- Quốc nạn tham nhũng và tệ trạng lãng phí của công

Tham nhũng trong xã hội như một hiện tượng xã hội bình thường, phát xuất từ những điều kiện nhân sinh, dĩ nhiên hiện diện mọi nơi, ngay cả tại những quốc gia tư bản, dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Tuy nhiên, tại những quốc gia này, tệ nạn tham nhũng mang tính đột biến và lẻ tẻ. Hoàn toàn khác biệt với tham nhũng tại các quốc gia độc tài, độc đảng như Việt Nam, Trung Cộng và Bắc Triều Tiên mang tính hệ thống và là một quốc nạn.

Tình hình tham nhũng ở Việt Nam là đặc biệt nghiêm trọng, với những biểu hiện vừa tinh vi, phức tạp, vừa trắng trợn, lộ liễu, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, có những điểm giống và khác nhau so với tình hình tham nhũng ở các nước khác, nhưng đặc điểm nổi bật là tính phổ biến. Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phát biểu: "Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người".

Nạn tham nhũng bắt đầu xuất hiện từ giữa những năm 1980, khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới. Nhưng nó nảy nở và bùng phát trong suốt thập niên 1990 và trở thành cao trào trong các thập niên kế tiếp. Thủ phạm của quốc nạn tham nhũng là những đảng viên gạo cội của Đảng từ cấp cơ sở cho đến cấp Trung ương, chứ không phải là những người dân. Song gánh chịu quốc nạn tham nhũng này lại là toàn bộ 92 triệu người dân Việt Nam, là những người gò lưng đóng thuế cho ngân sách nhà nước để cho tham quan trong Đảng chia nhau xà xẻo!.

Chính chế độ độc đảng toàn trị là mụ đỡ để các "nhóm lợi ích" ra đời thả cửa tham nhũng và lộng quyền. Các tập đoàn, đại công ty trong hệ thống kinh tế nhà nước là ổ nuôi bọn quan tham. Chế độ độc đảng đã dung túng các nhóm trục lợi suốt 30 năm dưới bình phong "đổi mới" và nay các nhóm này thâu tóm được cả quyền và tiền và đang tập hợp nhau thao túng và lũng đoạn cả bộ máy Đảng và Nhà nước. 

Lợi ích nhóm cấu kết thành băng đảng là nguy cơ lớn đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào. Trầm trọng nhất là hoạt động rửa tiền, câu kết lũng đoạn thị trường tiền tệ. Chính sách sử dụng cán bộ méo mó, phát triển nạn chạy chức, chạy quyền, “buôn quan”, “buôn vua”, sắp xếp cán bộ trên cơ sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” chứ không sử dụng người có tài đức.

Vào thời điểm kết thúc chính phủ tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng và cũng chấm dứt vai trò bộ trưởng công thương của ông Vũ Huy Hoàng, trên mặt báo chí nhà nước bất chợt rộ lên một chiến dịch lên án “những dự án nghìn tỷ đắp chiếu gây lãng phí, lãi mẹ đẻ lãi con, ngân sách thất thoát... thiệt hại lớn hơn cả tham nhũng”. Những dẫn chứng điển hình về nạn lãng phí là nhà máy xơ sợi 7, 000 tỷ đồng ở Hải Phòng “đắp chiếu” và dự án nhà máy lên đến 8,104 tỷ đồng đang phơi mưa nắng của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Con số 7,000 - 8,000 tỷ đồng bốc hơi trên có thể xây được hàng chục trường trung học khang trang hoặc hàng trăm trạm xá, cùng vô số nhà tình thương.

Trước đây, tham nhũng tại Việt Nam chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh.

Có thể chia tham nhũng thành 2 loại: tham nhũng lớn và tham nhũng vặt:

Tham nhũng lớn: xảy ra chủ yếu liên quan đến dự án thu mua lớn và phổ biến trong các dự án xây dựng công cộng và tư nhân, bệnh viện; trong các hợp đồng vũ khí và quốc phòng, trong công nghệ vũ khí mới.

Tham nhũng vặt: còn được gọi là tham nhũng hành chính, tham nhũng quan liêu, là loại tham nhũng diễn ra thường ngày, khi các nhân viên công chức tiếp xúc với quần chúng trực tiếp. Những vụ tham nhũng vặt còn hay xảy ra khi người dân và các công ty tìm cách né tránh nghĩa vụ và các khoản thuế và khi các viên chức lạm dụng quy định theo ý của họ bằng cách cố gắng bòn rút tiền từ các công dân và các công ty.

Quốc nạn tham nhũng và lãng phí tài sản quốc gia hiện nay là vấn đề nhức nhối của Xã hội, làm cạn kiệt tài sản đất nước. 

- Bất công xã hội và nạn thất nghiệp gia tăng

Tỷ lệ thất nghiệp mỗi lúc gia tăng vì các doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động. Gần 68.000 doanh nghiệp phải ngưng hoạt động trong năm 2014 và hơn 80.000 doanh nghiệp giải thể trong năm 2015 bốn tháng đầu năm 2016 có hơn 29.000 doanh nghiệp đóng cửa...

117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp không có việc làm. Sinh viên tốt nghiệp đại học (cử nhân, thạc sĩ) không tìm được việc lên đến 225.500 người. Số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn cao (khoảng 56%).

Vai trò quả đấm thép của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì tệ hơn, dù nắm sở hữu rất lớn về tài sản vẫn không tạo ra nhiều công ăn việc làm. DNNN tạo ra 1,7 triệu việc làm, bằng 14,4% tổng số việc làm trong khu vực doanh nghiệp và bằng 3,2% tổng số lao động trong nền kinh tế. Gần 60% việc làm là từ khu vực tư nhân và 26% là từ khu vực đầu tư nước ngoài (FDI).

Việt Nam dân số 90 triệu nhưng có đến 11 triệu người hưởng lương do ngân sách nhà nước đài thọ. Con số này bao gồm cán bộ, công chức, người ăn lương hưu, hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước, kể cả các hội đoàn "đảng nô" như Mặt trận tổ quốc, Công đoàn…

Việt Nam có trên 2,2 triệu công chức. Theo khái niệm của Luật cán bộ, họ là các đối tượng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị (đảng CS) hay xã hội làm việc trên khắp 63 tỉnh thành Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lần nhận xét: “có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”, đã ít nhiều cho thấy thực trạng cồng kềnh và trì trệ của giới công chức Việt Nam. Nếu đối chiếu con số này với một phân tích khác của nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam rằng: “cứ hình dung nếu ngân sách thu 100 đồng… có 65% chi cho thường xuyên, trong số này khoảng một nửa là chi lương cho công chức, viên chức”, thì mới thấy một lượng ngân sách nhà nước đã bị lãng phí ra sao.

Sự phân hóa giàu nghèo hiện nay ở Việt Nam có xu hướng phân thành hai cực rõ rệt... Đã có những hiện tượng báo chí đã nêu lên rằng một số quan chức có thu nhập quá cao với rất nhiều nhà đất và vợ con tiêu xài một cách xa hoa, lãng phí, trong khi một số người dân, nhất là trẻ em ở những vùng sâu và hẻo lánh hiện nay thiếu cả quần áo để mặc... Chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo còn chồng chéo, hiệu quả thấp; số hộ nghèo ổ các huyện vẩn còn trên 30%; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Về mặt văn hóa, đạo đức xuống cấp, lối sống gây bức xúc; tệ nạn xã hội gia tăng. 

- Hoạt động dân chủ và yêu nước ngày càng phát triển

Trong những năm qua, các hoạt động đối kháng chính trị của dân chúng trong nước với sự hỗ trợ của các tổ chức người Việt hải ngoại và quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh đặt trọng tâm vào việc đòi Đảng và Nhà nước phải tôn trọng và thực thi các quyền tư do và dân chủ cơ bản đã được ghi trong các văn kiện Liên Hiệp Quốc và cả Hiến Pháp của CHCHCNVN, cũng như lưu tâm dư luận về hiểm họa xâm lược của Trung Cộng. 

Các chiến dịch phản kháng diễn ra rất có tổ chức. Các cuộc biểu tình của dân oan đòi lại nhà, đất đã bị đảng và nhà nước cướp đoạt xảy ra khắp nơi. Hành đông ngang ngược của Trung Cộng tại Biển Đông và thái độ nhu nhược của giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước trước các hoạt động quân sự của Trung Cộng ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã gây phẫn nộ trong mọi thành phần xã hội khiến hàng ngàn người bất chấp đàn áp và bắt bớ đã xuống đường phản đối. 

Việc vô trách nhiệm về môi trường biển miền Trung, thảm họa cá chết và công khai đàn áp người dân biểu tình vì môi sinh càng làm cho người dân căm hờn.

Ngày nay, cùng với mạng xã hội, hệ thống báo chí, thông tin Internet người dân ngày càng hiểu rõ bản chất của Đảng và chế độ độc đảng, đã mạnh dạn thành lập các hội đoàn công dân. Các hoạt động thể hiện lòng yêu nước và tự do đã được liên kết rộng lớn. Một xã hội dân sự đã thành hình đang trên đường phát triển thành diễn đàn dân chủ dân thân cho nhân quyền, dân quyền và công bằng xã hội.

- Hiện trạng của đảng cộng sản Việt nam

Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang lâm vào một thế khủng hoảng nghiêm trọng. Đảng không mạnh như chúng ta tưởng, họ tồn tại là nhờ vào các công cụ trấn áp nhân dân như công an, quân đội. Đảng đã mất chính danh lãnh đạo, mất khả năng giải quyết những vấn nạn kinh tế, xã hội và không còn được dân tín nhiệm. Ngay trong nội bộ của cấp lãnh đạo, của những người gọi là cầm cân nảy mực cũng cấu xé giành giật nhau.

Nội bộ phân hóa sâu sắc

Việc trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có sự chia rẽ sâu sắc là điều không thể chối bỏ. Đó là mâu thuẫn giữa phe bảo thủ, phe cải cách và phe trục lợi. Đây không chỉ là sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa các cá nhân lãnh đạo đảng CSVN, mà còn là mâu thuẫn về chủ trương, chính sách và đường lối giữa các thế lực chính trị. Phe bảo thủ kiên trì bảo vệ Đảng với chính sách đối ngoại thân Trung cộng và theo đuổi kinh tế thị trưởng XHCN, lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Phe cải cách thiên về Tây phương và chủ trương kinh tế thị trường, khuyến khích tư doanh. Còn phe thứ ba gọi là phe lợi ích hay phe trục lợi, hướng đến bất kỳ cái gì mang lại cho họ nhiều lợi ích nhất nên các thành viên hiện diện ổ cả hai phe bảo thủ và cải cách.

Mức độ xung đột và phân hóa trong Bộ chính trị và Trung ương đảng đang gia tăng từ các Hội nghị trung ương (HNTU) này sang HNTU khác. Tranh giành quyền-tiền bất chính đã làm cho ngay cả nội bộ mỗi phe cũng không tin nhau. 

Không “đấu đá” trực tiếp với nhau được, các phe phái trong đảng CSVN dùng mạng ảo để bôi bẩn đối thủ trước ngày bầu bán nhóm chóp bu của Đảng trong Đại hội lần thứ 12. Trước dư luận trong và ngoài nước kết quả Đại hội đảng được ghi nhận chỉ là sự biểu thị chia rẽ, thối nát và bất lực của lớp lãnh đạo đảng và nhà nước.

Đảng bị thao túng thành nhóm trị và gia đình trị

Thời gian qua dư luận xã hội nhiều phen xôn xao về chuyện "thái tử đảng", thuật ngữ để chỉ cán bộ trẻ là con, em, người thân của các vị lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo "được nâng đỡ, bồi dưỡng và thăng chức nhanh đến chóng mặt vào bộ máy lãnh đạo các cơ quan công quyền hoặc những doanh nghiệp "khủng", "béo bở", "ngon ăn". Không ít người mỉa mai một cách chua chát: “Con ông cháu cha”, “Con quan thì lại làm quan”, “Một người làm quan, cả họ được nhờ"

Như Nguyễn Thanh Nghị, con trai của Nguyễn Tấn Dũng, trở thành Bí thư trẻ tuổi nhất nước (39t) tại tỉnh Kiên giang, nơi phất cờ của ông Dũng trước đây. Người con trai khác của ông Dũng, Nguyễn Minh Triết mới 25t cũng vừa nhảy vào Ban chấp hành tỉnh Bình Định. Nguyễn Xuân Anh mới 39 tuổi, con trai của cựu Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi, cũng vừa nắm Bí thư tỉnh ủy Đà Nẵng. Cũng tại đây Nguyễn Bá Cảnh mới 32, con của cố Trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh, đã được bầu vào Ban chấp hành Đà Nẵng. Danh sách các con cái của nhiều Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên trung ương đảng trên chỉ là một phần rất nhỏ bị lộ ra, như phần nổi của tảng băng. Nhiều cán bộ cao cấp về hưu cũng lại báo động về tệ trạng các quan lớn lợi dụng quyền lực để tham nhũng và gia đình trị theo khẩu lệnh "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ". 

Chủ nghĩa giành độc quyền cho cá nhân và gia đình trị đã bộc phát trong Đảng. Bước phát triển này cho thấy chiều hướng thoái trào từ đảng trị sang nhóm trị và nay đang chuyển thành gia đình trị và độc tài cá nhân.

Nhân dân và đảng viên mất niềm tin vào đảng

Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến trầm trọng, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành đã làm nhân dân không còn tin vào Đảng và Nhà nước nữa.

Trong đảng CSVN, số các đảng viên phản đối Đảng tiếm quyền làm chủ của dân đang phát triển nhanh chóng. Họ nhận xét rằng việc độc đảng lãnh đạo toàn thể đất nước là vô lý và mang tai hại cho dân tộc. Có nhiều đảng viên bộc lộ sự bất mãn về đường lối lệ thuộc Trung Cộng và hoài nghi về chủ trương kiên trì xây dựng một chủ nghĩa xã hôi, không biết bao giờ mới "hoàn thiện". Ngày càng có nhiều đảng viên trải lại thẻ đảng và gia nhập hàng ngũ những người đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước.

Kết luận 

Sự tồi tệ của đất nước ngày nay và nguy cơ mất độc lập - chủ quyền bắt nguồn từ sự áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin và chế độ độc đảng. Nên từ bỏ ý hệ cộng sản và chuyển hóa độc tài qua dân chủ là một yêu cầu cấp bách. 

Chỉ có dân chủ hóa đất nước mới là thoát lộ cho đất nước ra khỏi thảm trạng tụt hậu và lệ thuộc Trung Cộng.

Chế độ độc đảng cộng sản đã bị giải thể ở nhiều quốc gia trên thế giới, sớm muộn cũng phải thay đổi toàn diện ở Việt Nam, mọi sự níu kéo chỉ là tạm thời.

Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách đế phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn.

1.7.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo