Giấc mơ Thiên Đường tuổi thơ tôi - Dân Làm Báo

Giấc mơ Thiên Đường tuổi thơ tôi

Đặng Huy Văn (Danlambao) - Giữa tháng 11/2013, tình cờ tôi nhận được Email của một thầy giáo ở Nha Trang xưng danh là nhà giáo Nguyễn Chính, là chủ nhân của một trang mạng xã hội khá thú vị được đặt tên là “MỘT CÕI ĐI VỀ”, nguyenhoalu.wordpress.com. Trong thư, anh ấy nhận là đã đọc gần hết các bài thơ của tôi và đã khích lệ tôi về các bài thơ đã đăng trên “Đặng Huy Văn Blog” và các trang mạng xã hội trong và ngoài nước khác. Nhưng trong các thư sau thì nhà giáo Nguyễn Chính lại khuyên tôi nên viết thêm cả văn xuôi nữa cho trang Blog của mình phong phú hơn. Tôi nói, tôi cũng đã từng viết ký ức tuổi thơ được vài trăm trang cách đây một vài năm nhưng không dám đăng vì sợ người ta chê cười, bởi vì tôi viết tẻ lắm, mà lại chỉ toàn nói về mình thì đâu có ích gì cho ai? Nhưng nể lời nhà giáo Nguyễn Chính cứ khăng khăng đòi đọc, nên cuối năm 2013 tôi đã đăng lên trang nhà phần đầu của cuốn Ký Ức Tuổi Thơ mang tên “Giấc mơ Thiên Đường tuổi thơ tôi” như nhà giáo Nguyễn Chính đã đề nghị.

Thưa qúy độc giả! Tôi luôn nghĩ, văn vần của tôi đã quê thì văn xuôi của tôi còn quê hơn nhiều. Bởi vì tôi đã suốt đời làm nghề giáo và nghiên cứu khoa học khô khan chẳng hề có chút gì liên quan đến thơ văn cả. Thậm chí cho đến năm 68 tuổi, tháng 11/ 2011 tôi mới có bài thơ đầu tiên được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đăng trên trang nhà của anh ấy. Còn văn xuôi thì tôi chưa bao giờ có một bài nào được đăng. Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng đã có vài lần động viên tôi viết văn xuôi, nhưng tôi tự biết mình không có năng khiếu nay lại đã “thất thập cổ lai hy” nên tôi đã không dám nhận lời anh ấy. Bởi vậy, cuối năm 2013 đăng thì cứ đăng chứ tôi không tin là ngoài nhà giáo Nguyễn Chính ra sẽ còn có người khác sẽ đọc văn xuôi của tôi.

Nào ngờ, sau khi đăng phần đầu của câu chuyện “Giấc mơ Thiên Đường tuổi thơ tôi” lên “Đặng Huy Văn Blog”, thì nó đã được rất nhiều độc giả đón nhận. Một số người còn Email cho tôi nói, họ rất quan tâm vì câu chuyện của tôi đã nói lên một cách khá chân thực về cái thời Giảm Tô và Cải Cách Ruộng Đất khốc liệt và đen tối trên Miền Bắc quê hương. Có người nói, họ đã đọc đi đọc lại câu chuyện của tôi và vừa đọc vừa lau nước mắt. Có người còn xin số điện thoại của tôi để trao đổi thêm và đề nghị tôi hãy nhanh chóng hoàn thiện và đăng tiếp các phần còn lại.

Năm nay, nhân dịp tròn 60 năm ngày Đoàn Ủy CCRĐ của đảng LĐVN cùng Đoàn Cố Vấn CCRĐ của Trung Quốc theo lệnh của cụ Hồ về Hà Tĩnh để gieo rắc nên bao nhiêu cái chết oan uổng thảm khốc cho những người có công với cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm tại quê hương tôi, tôi xin được đăng lại đây toàn bộ câu chuyện “Giấc mơ Thiên Đường tuổi thơ tôi” sau khi đã bổ sung và chỉnh lý một vài chỗ. Câu chuyện này sẽ được đăng tải lên “Đặng Huy Văn Blog” lần lượt theo các đề mục: I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X,…với các nội dung chi tiết tương ứng:


*

VI- Quê tôi phát động quần chúng giảm tô

1- Ngày tựu trường đầu tiên trong hòa bình

Ông nội tôi ngồi hút thuốc lá cuộn nhả những làn khói trắng xanh mờ bên cửa sổ, tư lự nhìn ra sân trải nắng thu vàng. Kể cũng lạ! Năm nào vào dịp này, quê tôi cũng đang mùa bão lụt. Mưa xối xả. Gió tốc mái nhà. Gió xô đổ cây cối. Gió xoắn nát bờ tre. Vậy mà năm nay, đã cuối tháng tám âm lịch rồi mà vẫn chưa có một trận bão nào. Mưa cũng chỉ vừa đủ tràn mặt ruộng cho lúa mùa xanh tốt.

Nắng tháng tám nám trái bưởi. Vậy mà nắng thu năm nay cũng chỉ vừa đủ vàng để cho đồng lúa thêm tươi xanh. Vừa đủ mát để chim vàng anh hót thánh thót suốt ngày đỡ mệt. Vừa đủ tươi để làm cho má các cô thôn nữ ửng hồng. Vừa đủ hanh để làm cho đường quê khô ráo giúp chúng tôi dong trâu ra đồng khỏi lầy lội. Vừa đủ đẹp để chúng tôi được tung tăng bước tới trường trong những bộ quần áo mới.

Thời tiết đẹp cũng là một điềm báo mọi sự tốt lành đang đến với chúng tôi. Sáng hôm ấy, anh em tôi sang nhà ông bà nội để chào ông bà trước khi đi dự buổi lễ khai trường học kỳ hai của năm học. Đó là một ngày đặc biệt vì chúng tôi được tung tăng đến trường mà không còn phải lo sợ máy bay giặc. Sau khi chào ông bà, ông nội ân cần dặn:

- Bây giờ đã có hòa bình, đã có độc lập tự do, các cháu phải cố gắng học hành để mai này lớn lên xây dựng đất nước. Thời ông bà và cha mẹ các cháu đi học, học giỏi cũng chỉ để đi làm thuê cho thằng Pháp thôi. Thời đó, càng học giỏi càng thấm thía nỗi đau mất nước, các cháu ạ. Ngày nay, ai học giỏi sẽ được nhà nước trọng dụng, các cháu hãy cố lên nhé!

Chúng tôi ghi nhớ lời ông nội dặn và hăm hở bước tới trường.

Tuy hòa bình đã lập lại nhưng trường học của chúng tôi chưa được xây mới mà vẫn phải học tạm trong nhà dân như những năm trước. Lớp Hai của tôi học trong nhà ông Kính thuộc xóm Đồng xã Thanh Hương ngày nay. Học kỳ này, thầy giáo dạy lớp tôi là thầy Đào con ông Giáo Lý ở xã Thanh Hòa, gần cầu Phủ, còn thầy Nhuận lên dạy lớp Ba ở bên xóm Nậy. Khác với thầy Nhuận, thầy Đào người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo, khuôn mặt trái xoan trông rất thư sinh. Khi giảng bài, thầy nói nhỏ nhẹ nên cả lớp phải im phăng phắc mới nghe rõ lời thầy. Ấn tượng nhất là chữ viết của thầy trên bảng. Nét chữ thanh thoát, ngay ngắn bằng phấn hiện lên trên cái bảng đen đã cũ cứ nhảy nhót trước mắt chúng tôi cùng với giọng nói nhè nhẹ hút hồn làm cho cả lớp lặng im nghe thầy giảng quên cả giờ ra về.

Thỉnh thoảng, thầy Đào lại dành một ít thời gian cuối buổi học để đọc chuyện cho cả lớp cùng nghe. Chúng tôi được thầy giáo đọc cho nghe nhiều câu chuyện nhỏ về các danh nhân của thế giới như Na-pô-lê-ông Bô-na-pác, A-bra-ham Lin-côn, Tôn Trung Sơn... nhưng có lẽ thích nhất là được thầy giáo đọc cho nghe cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của ông Trần Dân Tiên viết, in bằng tiếng Hoa do thầy tự dịch ra tiếng Việt để kể cho chúng tôi nghe. Trong lời giới thiệu, ông Trần Dân Tiên viết đại ý, Bác Hồ là vị cha già của dân tộc, nhưng Người rất khiêm tốn nên không muốn ai viết về mình. Sau đó, ông Trần đã phải nài nỉ nhiều lần đề nghị Bác cho ông được viết một vài mẩu chuyện nhỏ về đời hoạt động của Người bao năm bôn ba ở nước ngoài tìm con đường cứu nước để cho toàn dân học tập, Người mới miễn cưỡng đồng ý. Những mẩu chuyện tuy ngắn nhưng rất xúc động. Nhiều chuyện thầy Đào vừa kể vừa lau nước mắt làm cho tất cả chúng tôi vừa kính phục Bác Hồ vừa mến yêu thầy giáo hơn. Có lẽ thầy giáo đã đọc những mẩu chuyện đó bằng cả trái tim tin yêu mến phục vị cha già của dân tộc.

Do năm nay tuổi đã lớn hơn lại được một thầy giáo hiền từ như vậy dạy nên tôi học rất chăm chỉ. Ở trên lớp, tôi luôn chăm chú nghe thầy giảng bài, về nhà làm đầy đủ các bài tập thầy giáo giao và còn tự làm thêm các bài tập toán do anh cả tôi soạn cho theo một cuốn sách giáo khoa đã cũ in từ thơi Pháp để lại. Đến bây giờ tôi mới thấy tiếc những năm tháng lêu lổng vừa qua, và chưa bao giờ tôi lại thấy mình thích đến trường như lúc này. Buổi sáng đến trường ngày nào tôi cũng đúng giờ. Chiều đi chăn trâu còn mang theo sách vở ngồi trên lưng trâu học thuộc lòng hoặc làm toán nhẩm. Không biết do thân tình với gia đình tôi hay vì tôi chăm ngoan hơn mà tuần lễ nào tôi cũng được thầy Đào tuyên dương trước lớp. Cuối tháng 9 năm 1954, thầy còn định đến thăm ông bà nội tôi để khen ngợi thành tích học tập của tôi nhưng chưa đến được thì nhà ông bà nội đã bị qui thành phần địa chủ bóc lột và không ai còn được tiếp xúc nữa.

2- Bị tịch thu hết tài sản và ông nội tôi phải đi ăn xin

Số là khoảng giữa tháng 9 năm 1954, cấp trên cử một đoàn cán bộ về xã tôi để thực hiện một “cuộc phát động quần chúng giảm tô giảm tức” do trung ương đảng và Hồ Chủ Tịch phát lệnh. Những gia đình có từ bốn mẫu ruộng trở lên mà có hơn một nửa số ruộng đó phát canh cho nông dân cày cấy và thu tô là bị xếp vào thành phần địa chủ bóc lột. Trong thôn tôi có hai gia đình như vậy, gồm nhà ông bà nội tôi và nhà ông giáo Châu đúng tiêu chuẩn thành phần địa chủ bóc lột đã bị qui thành phần ngay từ đợt đầu. Ông giáo Châu có nhiều con cháu biết làm ăn lại chăm chỉ tiết kiệm nên xây được tòa nhà hai tầng to nhất xã, có nhiều ruộng thuê người ở trong nhà cày cấy lại còn có ruộng phát canh thu tô. Chứ ông bà nội tôi chỉ có bốn mẫu ruộng thiếu người làm nên phải phát canh, thóc tô thu được không đủ nộp thuế nông nghiệp, hai ông bà phải tằn tiện mới sống được từ mùa này qua mùa khác.

Sau khi bị qui là địa chủ bóc lột, ông bà nội tôi phải nộp cho thôn toàn bộ thóc lúa trong nhà để thoái tô cho nông dân, nhưng vẫn không đủ. Ông bà nội lại phải bán hết giường tủ vàng bạc trang sức... để nộp mà vẫn thiếu. Năm ngoái, ông bà nội cũng đã phải bán ngôi nhà lớn vừa là nơi thờ phụng tổ tiên vừa để ở cho một gia đình nông dân để lấy tiền qui thóc nộp thuế nông nghiệp rồi. Toàn bộ đồ thờ cúng ông nội tôi phải mang sang nhà bác Bắc để thờ. Nhà ông bà nội tôi lúc bấy giờ chỉ có hai ông bà và cô ruột tôi tàn tật ở với ông bà từ ngày còn trẻ, nhưng không còn thóc gạo để ăn nữa. Nhà bác Bắc, nhà mẹ tôi thỉnh thoảng cũng lén mang gạo khoai sang giúp ông bà nội nhưng dân quân họ canh gác rất nghiêm ngặt, không cho con cháu tiếp xúc với ông bà như trước nữa. Không còn cách nào khác, ông nội tôi phải mang bị gậy đi sang các làng xã khác để xin ăn. Hôm thì ông xin được vài củ khoai củ sắn, hôm có nhà quen cũ ở xã bên cho bát gạo đem về để nuôi bà và cô tôi. Những hôm trời nắng, dáng ông đi vẫn còn nhanh nhẹn, cái gậy khua lên nhịp nhàng theo bước đi, trông xa tưởng một ông tiên đang đi dạo chơi từ làng này qua làng khác. Nhưng những ngày gió mùa đông bắc tràn về mưa rét, dáng ông đi xiêu xiêu trong gió trông thương thương lắm.

Tôi chợt nhớ lại mới ngày nào đây, ông nội tôi vừa mới được ngồi trên hàng ghế danh dự của lễ chào đón hòa bình của xã, môi mỉm cười, tay vẫy vẫy chào chúng tôi khi đội đồng ca nhí bước qua lễ đài. Ông nội đã bao năm đóng góp hy sinh cho cách mạng, năm năm không quản đường sá xa xôi chăm nuôi bố tôi trong nhà lao Ban-mê-thuật, rồi phải bán hết ruộng vườn của tổ tiên để lại cho cả bác trai và bố tôi vào Sài-gòn, Phơ-nông-pênh hoạt động cho đảng. Tôi cứ tưởng nay hòa bình được lập lại, những người có công với cách mạng như ông nội tôi phải được hưởng thành quả trong hòa bình thì ai ngờ lại chịu cảnh đói rét, phải đi xin ăn từng bữa.

Một hôm, tôi đang ngồi học trong lớp thì chợt thấy ông nội tôi bước qua sân đi vào xin ăn nhà chủ lớp học của tôi. Tôi nghẹn ngào nhìn dáng hình tiều tụy của ông nội mà lòng thắt lại, trong bụng chỉ cầu mong không có đứa nào trong lớp tôi nhận ra ông nội tôi. Có lẽ không đứa nào nhận ra ông nội tôi thật vì trông ông bây giờ khác lắm. Ông đội một cái nón rách, mang cái tơi rộng và trễ xuống quá cổ làm hở cái quai bị cói đeo trên vai gầy, tay trái huơ huơ cái gậy lên như đề phòng lũ chó của chủ nhà. May mà những hôm có lớp học ông chủ nhà luôn luôn nhốt chó phía sau nhà. Tôi cứ đau đáu nhìn những bước đi khẽ khàng của ông và nín thở sợ phải bật ra tiếng khóc ngay trong lớp. Hôm đó may chỉ có thầy Đào nhìn thấy và nhận ra ông nội tôi vì thân sinh của thầy, ông giáo Lý ở Cầu Phủ, là bạn vong niên của ông nội tôi. Thầy Đào quay xuống nhìn tôi ứa nước mắt rồi lập tức quay mặt vào bảng đen chăm chú viết các bài toán về nhà cho chúng tôi chép.

Tối hôm đó trời tối đen như mực. Ăn tối xong, mẹ tôi bảo tôi mang sang cho ông bà nội một tô cháo bí đỏ nấu với đậu ván và đường phên. Ông bà nội và cô tôi ăn xong khen ngon rồi ông nội hỏi tình hình học tập của tôi ở trường.

Tôi kể cho ông nội nghe các tiến bộ của tôi ở trường như thế nào, thầy giáo yêu mến học sinh ra sao rồi tôi buột mồn kể với ông nội chuyện sáng nay thầy Đào đã nhìn thấy ông đi ăn xin và rơi nước mắt ra làm sao... Nghe đến đây, bỗng ông nội ôm chầm lấy tôi và khóc:

- Trời ơi, ông nào biết lớp học của cháu ông lại học nhờ tại nhà ông Kính! Ông xin lỗi cháu nhé, lần sau ông sẽ không đến đó nữa!

Rồi ông nội kể, ông Kính cũng là thầy thuốc bắc nên ngày trước hay đi lại kết bạn với ông. Nay nghe tin ông nội tôi lâm vào cảnh éo le đã nhắn tin cho ông nội tôi ghé qua để gửi biếu ông bà ít gạo ăn nên ông nội tôi mới đến. Từ ngày đội cán bộ phát động giảm tô về, xã Tân Việt của tôi đã được tách thành ba xã. Đức Lâm quê tôi nay là xã Thanh Lâm, Làng Điền nay là xã Thanh Điền, còn Hương Bộc ngày trước nay là xã Thanh Hương. Sau ngày ông nội tôi bị qui thành phần địa chủ bóc lột, nghe nói đội phát động giảm tô theo lệnh của Bác Hồ và trung ương đảng đã cấm không cho các gia đình bị quy là địa chủ tiếp xúc với bất cứ người nào trong xã, kể cả con cháu của mình. Gia đình các cô các bác tôi muốn tiếp tế cho ông bà nội cũng phải lén đưa vào ban đêm, có khi bất ngờ gặp dân quân phải giúi vào bờ rào rồi nửa đêm cô tôi ra lấy vào. Tuy nhiên nhà ông Kính lại ở xã Thanh Hương, khác xã, nên ông nội tôi có thể đến được. Nghe ông nội tôi nói thế, tôi chỉ biết ôm lấy ông nội và nghẹn ngào. Thấy tôi cứ thút thít khóc mãi, ông nội tôi mới dỗ dành:

- Cháu ơi, đã đi theo cách mạng thì phải biết hy sinh cháu ạ. Có thể nhà mình giàu có đã nhiều đời, nay cách mạng đòi hỏi ông bà phải trao lại ruộng đất cho dân nghèo để thực hiện chủ trương người cày có ruộng của Bác Hồ. Mình đã sung sướng nhiều đời rồi nay có phải chịu đói chịu khổ có sao đâu cháu. Bác Hồ của chúng ta vĩ đại lắm, các chủ trương chính sách của Người là đều nhằm phục vụ cho quyền lợi của nhân dân trong đó có cả gia đình mình cháu ạ! Bác Hồ kính yêu chỉ có một nguyện vọng tột bậc là đưa lại ấm no cho dân tộc, đưa lại hạnh phúc cho nhân dân thôi mà cháu!

Nghe ông nội tôi nói, tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi cứ băn khoăn không hiểu vì sao Bác Hồ muốn đem lại cơm no áo ấm cho dân tộc mà lại đi tịch thu tài sản của những người đã từng tận tụy bao nhiêu măm hy sinh cả sức người sức của cho cách mạng, để họ phải sống dở chết dở như thế? Biết được ý tôi đang định hỏi ông câu đó nên ông liền mắng đuổi tôi về:

- Cháu còn bé nên ông có nói cháu cũng không thể nào hiểu được đâu, thôi cháu về ngủ đi để mai còn đi học. 

Tôi biết ông phải mắng tôi như thế bởi vì có lẽ người lớn như ông nội đến lúc đó cũng chưa thể hiểu được những ý tưởng cao cả của Hồ Chủ Tịch. Nghe bác trai tôi nói lại, cho đến khi hấp hối một năm sau đó, ông nội tôi còn thì thầm vào tai bác trai tôi rằng, ông vẫn không hiểu vì sao gia đình mình lại rơi vào hoàn cảnh ấy, không biết có phải tại kiếp trước ông ăn ở thất đức nên đến bây giờ con cháu phải trả nghiệp không? Có lẽ lúc bấy giờ, thông tuệ đến như Đức Phật cũng không thể trả lời được câu hỏi đó, bởi vì chính ruộng đất nhà chùa của Đức Phật cũng bị tịch thu và các sư thầy, các tiểu... ở các chùa đều bị đuổi về quê làm ruộng hoặc đi ăn xin mà.

Vậy mà ngày nào ông nội tôi cũng đi ăn xin với nét mặt bình thản. Đến nhà nào ông cũng xin, nhà nào không cho ông vẫn vui vẻ chào hỏi. Không biết có phải vì ông nội nghĩ rằng, ông phải chịu nhục chịu khổ như thế nhằm trả món nợ của kiếp trước để lại, hay cũng có thể ông cho rằng, đã theo cách mạng thì những người như ông là phải chịu cảnh như thế! Tuyệt nhiên ông nội không bao giờ ca thán một lời kể cả những hôm bị những chủ nhà khó tính thả chó ra đuổi làm ông bị ngã trầy sước cả mặt mũi chân tay. Một lần, ông nội bị ngã đau lắm, phải nằm trên giường cả tuần liền nhưng khi chúng tôi lẻn đến thăm ông, ông vẫn vui vẻ kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Chính lần đó, chúng tôi được ông nội kể cho nghe câu chuyện “cái ang vàng”. Nghe xong chuyện đó, tôi buồn rầu hỏi ông:

- Ông ơi, ngày nay không còn những đôi vợ chồng nghèo tốt bụng nữa hả ông?

- Cháu ơi, thời nào cũng có người tốt bụng, không kể là giàu hay nghèo, cháu ạ! Đặc biệt trong xã hội của chúng ta, người nghèo tốt lắm. Chính họ là những người đã cầm súng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng đó, cháu có hiểu không?

- Thế tại sao ông lại bị người ta thả chó đuổi theo làm ông bị ngã tới nông nỗi này? Thấy bà nội nói vợ chồng nhà ấy cũng nghèo mà.

- Tại vì người ta sợ bị liên lụy cháu ạ!

- Thế liên lụy là gì mà người ta sợ đến thế hả ông?

- Cháu còn bé ông có nói cháu cũng không hiểu đâu. Thôi cháu về đi ngủ đi kẻo các chú dân quân mà bắt được thì phải ra trụ sở thôn ngồi đấy!

Tôi còn định hỏi thêm vì sao cháu đến thăm ông nội mà các chú dân quân lại bắt ra trụ sở thôn nhốt thì bà nội tôi đã nhẹ nhàng đẩy tôi ra khỏi cửa, làm tôi vừa buồn vừa bối rối. Về nhà, tôi thuật lại cuộc viếng thăm ông nội cho mẹ tôi nghe, mẹ tôi nói, con ít đến thăm ông thôi, kẻo người ta lại hành hạ ông nội đấy, tôi lại càng không thể hiểu vì sao?

Đêm đó tôi cứ trằn trọc mãi mới ngủ được. Rồi không hiểu do cái rét ngọt đầu đông hay vì quá mệt mà tôi đã chìm vào giấc ngủ với một giấc mơ thật đáng sợ. Trong mơ, tôi thấy mình đang bị rơi xuống từ một vách núi đá cao, rồi khi rơi gần đến mặt đất, tôi sợ quá thét lên thì bỗng có một ông bụt hiện ra giơ hai tay ra ôm đỡ tôi. Nhìn lại, tôi thấy ông bụt có bộ râu dài và bạc trắng như râu Bác Hồ nhưng nét mặt lại hiền hậu như nét mặt ông nội tôi, còn đôi bàn tay thì y hệt bàn tay mẹ tôi. Tôi đang cựa mình để thoát ra khỏi đôi bàn tay ấy thì nghe tiếng mẹ tôi càu nhàu:

- Con mơ gì mà thét ầm lên làm cả nhà hoảng hốt thế con? Có phải ban chiều đi chăn trâu, con đánh nhau với chúng bạn phải không?

3- Bị đuổi học và nhớ thương tuổi học trò

Rồi một buổi sáng, trời lất phất mưa và se lạnh hình như có gió mùa đông bắc sắp tràn về. Tôi đi học vội không kịp mang tơi nên khi vào lớp người bị ướt lướt thướt. Tôi vừa vào lớp ngồi chưa ấm chỗ thì chợt thấy thầy hiệu trưởng bước vào lớp. Nhìn nét mặt thầy rất nghiêm và buồn nên tôi linh cảm thấy có điều gì đó chẳng lành sắp xẩy ra. Thầy hiệu trưởng nói gì đó với thầy Đào rồi đưa cho thầy ấy một tờ giấy và thầy Đào đọc to cho cả lớp cùng nghe. Nội dung chỉ ngắn gọn mấy câu đại ý là theo chỉ thị của Ty Giáo Dục tỉnh nhà, con em các gia đình bị qui là địa chủ và phản động từ nay sẽ không được tiếp tục đi học. Nhà trường đã kết hợp với UBHC xã lên danh sách các học sinh sau đây của lớp sẽ bị đình chỉ học tập ngay ngày hôm nay. Rồi thầy Đào ứa nước mắt đảo xuống lớp nhìn tôi và bé Diễm Hạnh. Bố bạn ấy là người công giáo cũng vừa bị qui là "phản động". Tôi hiểu việc của tôi, Diễm Hạnh và vài bạn nữa trong cái danh sách nói trên phải làm là phải lặng lẽ ra khỏi lớp ngay lập tức. Trời đổ mưa mỗi lúc một nặng hạt và tôi vứt cả sách vở chạy như bay về nhà để hỏi mẹ tôi nhà mình bị qui là địa chủ từ bao giờ.

Lúc bấy giờ mẹ tôi mới kể cho chúng tôi nghe mọi chuyện. Thôn tôi ngoài ông bà nội tôi và nhà ông giáo Châu bị qui thành phần địa chủ trong chiến dịch phát động quần chúng giảm tô của trung ương đảng đợt một, nhà tôi và nhà bác Chắt tuy chỉ có ba mẫu ruộng thôi nhưng đều phát canh thu tô tới hai phần ba nên bị quy thành phần địa chủ trong đợt hai vừa qua. Vì đây là một cú xốc lớn đối với mẹ tôi nên mẹ chưa cho chúng tôi biết. Nhà tôi chỉ có ba mẫu ruộng không phải là nhiều nhưng vì cha tôi đi hoạt động thoát li, một mình mẹ tôi phải chăm nuôi năm đứa con trai còn nhỏ nên đành phải cho nông dân cấy rẽ và thu tô để lấy thóc nuôi các con. Mẹ tôi đang choáng váng vì chưa biết lấy đâu ra thóc để thoái tô cho nông dân thì không ngờ tất cả trẻ con cũng bị đình chỉ học tập cùng lúc. Mẹ tôi nhìn chúng tôi yên lặng trong chốc lát rồi bỗng người từ từ nói:

- Cha các con suốt đời đi theo đảng, vào tù ra tội bao năm rồi lại mang hết cơm gạo của ông bà nội và của mẹ đi đóng góp cho đảng cho cách mạng, nên nhà ta mới bị như bây giờ đây. Nếu việc nhà mình bị như thế này mà mang lại lợi ích cho đảng và cho cách mạng thì mẹ nhất định sẽ cố gắng chịu đựng. Mẹ tin rằng Bác Hồ và đảng ta luôn luôn sáng suốt, sẽ không bao giờ làm điều gì gây hại cho dân. Trong lúc khó khăn này, các con hãy thương yêu nhau và có thể vài đứa các con phải đi ở chăn trâu cho các nhà bà con để khỏi bị chết đói các con ạ!

Lúc này nhớ lại, tôi mới biết cả tuần nay, mẹ tôi ngày nào cũng phải đi họp, về nhà lại viết các giấy tờ gì đó nhưng vì mẹ không nói, nên chúng tôi không biết gì hết. Hóa ra, mẹ đã bị khai trừ khỏi đảng và phải nộp mấy tạ thóc để thoái tô cho nông dân. Vì không đủ thóc để thoái tô cho nông dân nên mẹ tôi không được hưởng thành phần địa chủ kháng chiến do cha tôi hoạt động thoát ly, mà phải chịu nhận thành phần địa chủ bóc lột, nên sẽ bị tịch thu hai mẫu ruộng và hai con trâu chúng tôi đang chăn.

Thế là nay nghỉ học, tôi ở nhà cũng chẳng còn trâu nữa để mà chăn. Lúa mùa đã chín rộ mà nhà tôi không còn đám ruộng nào nữa để gặt vì chính quyền đã tịch thu hết để thoái tô cho nông dân rồi. Trong nhà, chỉ còn một ít khoai khô được cán bộ đội cho phép để lại để mẹ tôi nhai mớm cho cậu em trai hai tuổi của tôi mà thôi.

Nhưng mùa gặt đã đến và anh em chúng tôi vẫn có thể kiếm được cái ăn nhờ đi nhặt thóc lép ngoài đồng, đi nhặt rễ khoai, đi đào rau má về luộc ăn hoặc nấu cháo rau má với gạo thóc lép ăn rất mát ruột. Anh cả và anh hai thì vào rừng đào củ mài, hái củi về chợ tỉnh bán lấy tiền mua gạo. Thức ăn thì dạo này rất sẵn. Gặt lúa xong, cua đồng mới nở bò từng đàn trên mặt ruộng nước, tôi và cậu em trai thứ tư của tôi chỉ cần mang cái rổ con con đi xúc, mỗi buổi cũng được lưng nồi hai. Có khi còn xúc được cả cá rô don, cá diếc bé về nấu canh khế thơm ngon đến khó tả. Mỗi lần nấu canh cá với khế, mẹ tôi đều bảo chúng tôi lén mang sang cho ông bà nội một bát.

Hôm đó hai anh em tôi mang canh khế sang thấy ông bà nội tôi tiều tụy gầy gò, em trai tôi thương quá bỗng bật khóc. Tôi không thể ngờ cậu em trai mới tám tuổi đầu của tôi đã biết thương ông bà nội như thế. Bà nội ôm nó vào lòng dỗ dành mãi, nó mới nín. Bà nội cứ sờ sờ vào cái vết sẹo to ở giữa trán nó và nói như khóc:

- Cháu bị sẹo như thế này là lỗi tại bà đấy, cháu có biết không? Bà có được sống thêm một kiếp người nữa, cũng không thể chuộc được cái lỗi mà bà đã gây ra cho cháu đâu, cháu ạ!

Tôi còn nhớ như in cái hôm em tôi bị ngã thành sẹo ấy. Đó là vào một buổi sáng mùa xuân năm 1950. Khi biết tin cha mẹ tôi chuẩn bị đưa cậu em trai tôi ra tỉnh ủy Thanh Hóa, nơi cha tôi đang làm việc để có điều kiện chăm sóc em, bà nội tôi đã làm thịt một con gà nấu cháo để đãi cháu trước khi chia tay. Em trai tôi ngày ấy mới hơn ba tuổi nhưng đã tự bưng được bát cháo để ăn, bà nội tôi vui quá gọi cháu lại gần để lấy thêm cháo cho cháu thì chẳng may nó vướng phải con chó vàng đứng ngay bậc cửa làm em ngã đập sấp mặt xuống nền nhà. Mảnh bát vỡ chọc đúng vào giữa trán em, máu chảy lênh láng làm cho cả nhà hốt hoảng. Ông nội tôi phải mất một lúc mới cầm được máu cho em và vết thương phải đến hơn một tháng sau mới lành. Từ đó trở đi, mỗi lần bà nội tôi nhìn thấy em trai tôi là bà lại sờ sờ vào vết sẹo trên trán em rồi nước mắt ngắn nước mắt dài. Vì nhiều lần thấy bà cứ than vãn như thế, nên lần này ông nội tôi phải gắt lên:

- Đó là do không may chứ đâu phải lỗi tại bà mà bà cứ than vãn như thế, cháu nó lúc nào cũng yêu bà, nó có trách bà đâu mà bà cứ khóc lóc làm cháu nó mất vui đi bà ơi!

Gần mười bảy năm, sau cái lần ăn cháo bị ngã thành sẹo ấy, sáng sớm ngày mồng 6 tháng 1 năm 1967, em trai tôi lại một lần nữa bị thương vào mặt. Một quả bom nổ chậm của giặc Mỹ nằm sâu dưới mặt đất ngay đầu giường, nơi em tôi đang ngủ trong một căn lán trực chiến của đơn vị thanh niên xung phong làm Đường 21 trên địa phận huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình bất ngờ phát nổ. Mảnh bom giặc đã làm đứt rời toàn bộ hàm dưới của em và em trai tôi đã tắt thở ngay trên đường đi cấp cứu. Trời ơi, đến lúc đó thì bà nội tôi cũng đã bị chết đói trước đó tới hơn mười một năm rồi! Không biết ở dưới suối vàng, bà nội tôi có còn nhận ra thằng cháu yêu của bà có cái sẹo ở trán nữa không?

Từ ngày bị đuổi học, ngày nào tôi và em trai tôi cũng đi nhặt thóc lép, đào rau má, nhặt rễ khoai hoặc mò cua bắt cá với nhau. Em trai tôi tuy kém tôi hai tuổi nhưng do em ấy chăm chỉ hơn nên kết quả thu lượm được đôi khi tôi còn thua em. Hôm nào nhặt được nhiều khoai hay bắt được nhiều cá là mẹ tôi lại luộc khoai hoặc nấu canh cá với khế chua rồi buổi tối bảo chúng tôi mang sang biếu ông bà nội. Một buổi tối trên đường đến thăm ông bà, hai anh em tôi vừa đi vừa nói chuyện nên bị dân quân họ đi theo và bắt được quả tang đang mang khoai luộc đến tiếp tế cho địa chủ, nên cả hai anh em tôi đều bị giải ra trụ sở thôn để ông đội trưởng giải quyết. Ra đến trụ sở thôn, ông đội trưởng khám xét thì thấy trong rá không có gì liền tha cho anh em tôi về nhà. Trên đường về, thấy thỉnh thoảng em trai tôi lại cúi xuống nhặt cái gì đó, sau tôi biết mới là khi đi trên đường tới trụ sở thôn, em tôi đã vứt dần khoai luộc xuống vệ đường nên khi về em tôi lại nhặt lên. Như vậy là vừa thoát được tội mà lại không bị mất khoai đem biếu ông bà nội.

4- Anh Quân đã từ ông bà nội để giữ vững lập trường giai cấp

Sau tối đó ba hôm thì nghe một chị con gái bác Bắc khoe, anh Quân con cả của nhà bác đi công tác qua có ghé về nhà vào lúc nửa đêm. Nhà bác Bắc bây giờ cũng đã bị qui là thành phần phú nông và bác Bắc có thể vì thành phần gia đình nên cũng đã phải nghỉ việc trên tỉnh về ở nhà cả tháng nay. Trách gì đêm hôm qua, trong nhà bác Bắc mọi người cứ to nhỏ trao đổi với nhau chuyện gì đó có vẻ rất căng thẳng. Từ ngày nhà mẹ tôi bị qui thành phần địa chủ, bác Bắc gái không cho chúng tôi qua chơi bên nhà bác nữa, nhưng buổi tối các anh con nhà bác vẫn chơi với chúng tôi ở ngoài vườn. Tối hôm đó, không thấy các anh ấy ra vườn chơi nên tôi và em tôi đứng ở ngoài hè để chờ thì nghe ở trong nhà, anh Quân đang nói lúc to lúc nhỏ:

- Ba mẹ biết không, Bác Hồ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản quốc tế nên không bao giờ Người chịu để đất nước mình chỉ dừng lại ở cuộc cách mạng giải phóng dân tộc như các nước láng giềng của ta ở Đông Nam Á đâu, mà sau khi hòa bình được lập lại, Người muốn miền Bắc ta phải tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội tươi đẹp ngay. Nhưng muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải tiêu diệt giai cấp địa chủ bóc lột, phải tịch thu ruộng đất và của cải của nhà giàu để chia cho nông dân nghèo, như thế mới công bằng chứ! Ba mẹ nghĩ xem, ông bà nội của chúng con đã giàu có bao nhiêu đời rồi, đã bóc lột biết bao kiếp người rồi, bây giờ ông bà phải chịu khổ để phân chia lại của cải cho nông dân là đúng chứ!

- Nhưng suốt mấy chục năm qua, ông bà nội con đã một lòng theo đảng, đã đóng góp biết bao nhiêu sức người sức của cho cách mạng để có thắng lợi ngày nay, lẽ nào đảng không xem xét chiếu cố mà để ông nội ngày ngày phải đi ăn xin hả con? 

- Thưa cha, đúng là ông bà nội của chúng con đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, nhưng cả miền Bắc này, có tới hàng chục vạn gia đình địa chủ khác cũng làm như thế chứ đâu phải chỉ có ông bà nội mình mà chiếu cố. Hơn nữa, các đóng góp đó là ở giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc. Bây giờ cách mạng nước nhà đã bước sang giai đoạn giải phóng giai cấp thì những người như ông bà nội lại là đối tượng phản cách mạng, cản trở sự tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta. Phải đạp đổ cái giai cấp bóc lột mà ông bà nội là đại diện thì cách mạng mới phát triển được chứ ạ! Ở Liên-Xô người ta còn bắt hàng triệu tên địa chủ như thế đi đày Xi-bi-ri, hay như ở nước láng giềng Trung Quốc anh em, người ta đã đem bắn chết không cần xét xử hàng triệu tên địa chủ như thế. May mà đất nước ta có Bác Hồ là một vị lãnh tụ hết lòng thương yêu nhân dân nên mới để những người như ông bà nội ta còn được sống. Thế là đã quá tốt rồi ba mẹ ạ! Bác Hồ còn là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới nên Bác còn phải lo cho người nghèo khắp thế giới trong đó có hàng chục triệu người nghèo của nước ta. Giai cấp địa chủ bóc lột như ông bà nội ở ta may lắm chỉ có khoảng hơn mười vạn gia đình. Ba mẹ thử tính xem, nếu phải tiêu diệt mười vạn người để cứu hàng chục triệu người thì có phải là việc đáng làm hay không? Đây là một kinh nghiệm quí báu của các nước XHCN anh em chứ đâu phải do ta tự mò mẫm làm bừa. Phần lớn các vị đoàn trường cán bộ giảm tô của ta đều được đào tạo bài bản hàng năm trời tại Trung Quốc và Bác Hồ đã đích thân giao cho vị tổng bí thư kiệt xuất của đảng ta là đồng chí Trường Chinh trực tiếp lãnh đạo và Hồ Chủ Tịch trực tiếp dõi theo hàng ngày. Theo con thì hiện nay, ta nên đặt tình yêu giai cấp lên trên tình cảm gia đình, ba mẹ ạ!

- Nhưng ông bà nội đã chăm nuôi con từ tấm bé, con lại là cháu đích tôn của ông bà nữa cho nên ngày mai trước khi đi, con phải sang chào ông bà nội, nghe không con? 

- Có lẽ con không sang được đâu, mong ba mẹ thông cảm! Vì nếu làm như thế lỡ về đơn vị mà biết được, con sẽ bị kỷ luật! Con phải giữ vững lập trường giai cấp của một người đảng viên, ba mẹ ạ!

Rồi tôi nghe tiếng hai chị con gái của bác Bắc tôi khóc thút thít. Thế là tôi và em tôi phải rón rén chui bờ rào chạy về nhà với mẹ vì sợ anh Quân bắt được lại giải ra trụ sở thôn như hai anh dân quân hôm nọ thì gay.

Sáng sớm hôm sau trời mưa lất phất. Nhìn qua bờ rào, tôi thấy anh Quân đội mũ, mặc một chiếc áo mưa bằng vải bạt bộ đội lầm lũi ra đi không có người đưa tiễn. Khi anh ấy đi qua cổng nhà ông bà nội, ông bà nội và cô tôi cũng đang ngủ nên ông bà không hề biết chuyện anh Quân có ghé về nhà. Và từ lần đó đến khi ông bà nội tôi đói lã rồi qua đời một năm sau đó, anh Quân cũng không ghé về nhà lần nào nữa. Nghe nói sau đó anh Quân được cử sang Trung Quốc học tập ba tháng để về tham gia công tác cải cách ruộng đất ở một tỉnh nào đó tận ngoài vùng đồng bằng Bắc Bộ thì phải.

Vụ lúa mùa chỉ trong khoảng nửa tháng là thu hoạch xong. Ngoài cánh đồng, cua cá cũng đã chui đâu xuống đất nên chúng tôi không còn cái gì để gom nhặt nữa. Hết cái ăn, mẹ tôi bảo chúng tôi phải đi ở chăn trâu, chăn bò để kiếm cơm ăn. Vì bên lương không ai thuê cả nên tôi phải đi ở chăn bò bên làng công giáo của Diễm Hạnh. Từ hôm đó ngày ngày, hai đứa lại dong bò lên đồi ngay gần làng cho ăn cỏ và thỉnh thoảng, bạn ấy lại dúi cho tôi vài củ khoai ăn trưa. Và cuối năm 1954, điều khủng khiếp nhất đã ập xuống gia đình bạn ấy. Ba bạn ấy đã bị kết án tử hình vì tội “làm gián điêp” và đã bị xử bắn ngay đầu xã vào một chiều mùa đông giá rét. Cả mẹ và bạn ấy đều phải ra tận nơi xử bắn ba mình để chứng kiến tận mắt. Mẹ tôi và các gia đình địa chủ khác trong xã cũng đều phải đến dự. Khi nghe tiếng súng nổ, mẹ tôi phải ôm chặt người Diễm Hạnh, còn mẹ bạn ấy thì lăn lộn trên mặt đất ướt gần nơi xác ba bạn ấy vừa ngã xuống. Tôi không cầm được nước mắt rồi cùng mẹ tôi cứ ôm chặt lấy bạn ấy, nhưng bạn ấy chỉ bặm môi nấc lên mà không khóc thành tiếng. Mẹ tôi thì ngửa mặt lên như hỏi ông trời, “Sao một người hiền lành lại bị bắn một cách oan uổng như vậy?” Tôi nhớ đó là ngày 26 tháng 11 năm Giáp Ngọ, tức ngày 20/12/1954, cách đây tròn 59 năm! Sau khi chôn cất ba được hai tuần, thì ba mẹ con nhà Diễm Hạnh đã theo những người công giáo khác ra Nghệ An để di cư vào Nam. Mồ mả của ba bạn ấy đã được gửi lại cho người bà con trông nom. Lúc chia tay vội vã vào giữa đêm gió mùa đông bắc, tôi chỉ kịp ôm choàng lấy bạn ấy và khóc nấc lên thành tiếng. Từ đó trở đi, tôi không còn tin tức gì về bạn ấy nữa!

Từ ngày Diễm Hạnh đi xa, tôi buồn như không thể lấy gì bù đắp nổi, nhất là những lúc đi qua ngôi nhà hoang vắng của bạn ấy thấy cây cối trong vườn như bị héo khô dần. Để ngôi ngoai nỗi nhớ, tôi đã quyết định xin mẹ về bên quê ngoại cách làng tôi tới gần ba mươi cây số để đi ở chăn trâu cho một ông cậu em cùng cha khác mẹ của mẹ tôi. Còn em trai tôi thì đi ở chăn bò cho một người bà con ở mãi làng Vân Trình ở cuối xã.

Trước khi đi, hai anh em tôi sang chào ông bà nội thì được ông bà cho ăn cháo. Bà nội ôm em tôi vào lòng, múc cho nó một bát cháo rồi vừa nói vừa lau nước mắt:

- Trời ơi! Cháu bà còn bé thế này mà đã phải đi ở chăn bò, thương cháu đứt ruột mà bà không còn gì để nuôi cháu nữa, cháu ơi. Có lẽ kiếp trước tôi ăn ở thất đức, nên nay trời mới trừng phạt các cháu của tôi thế này đây, có phải không ông?

Ông chưa kịp trả lời thì cậu em tôi đã buột miệng nói như an ủi bà:

- Bà ơi, không phải thế đâu ạ! Tối qua cháu nghe anh Quân nói, cả miền Bắc mình có đến hàng vạn gia đình như ông bà bị tịch thu tài sản vì Bác Hồ chủ trương tiêu diệt tất cả những người giàu để đưa đất nước tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội như Liên-Xô và Trung Quốc bà ạ. Nhưng cháu không hiểu tiêu diệt là gì, chủ nghĩa xã hội là gì, bà nói cho chúng cháu nghe đi bà!

Tôi không ngờ cậu em trai tám tuổi của tôi chỉ mới vào lớp một được vài tháng mà có trí nhớ như thế. Bà nội cũng ngạc nhiên nên mắng yêu cháu:

- Cha bố mày, anh Quân nói thì đi mà hỏi anh ấy chứ làm sao bà biết được. Anh Quân nói với các cháu từ bao giờ mà bà không biết, hả?

Em trai tôi thật thà kể lại chuyện tối hôm qua hai anh em tôi đã ngồi nghe lõm anh Quân nói chuyện với gia đình ở ngoài hè nhà bác Bắc. Nghe xong, bà nội tôi suýt ngã quỵ xuống, giọng run run hỏi đi, hỏi lại:

- Có thật là thằng Quân về thăm nhà không? Sao không thấy nó đến chào ông bà nội, hả? Sao các cháu không sang báo bà biết để bà sang nhìn mặt anh ấy một cái, hả?

Tôi đang luống cuống chưa biết trả lời bà nội ra sao thì em trai tôi lại bộc tuệch:

- Bà ơi, anh Quân không thèm chơi với bà cháu mình nữa đâu! Anh ấy nói, sẽ không sang chào ông bà nội để giữ vững lập trường giai cấp, bà ạ! Chúng cháu cũng là con địa chủ nên anh Quân không cho gặp đâu. Tối hôm qua, chúng cháu còn sợ anh Quân bắt được rồi giải ra trụ sở thôn nên đã phải chui qua bờ rào chạy vội về nhà đó. Sáng sớm nay, anh ấy đã đi rồi ông bà ạ!

Nghe đến đó, bà nội lặng đi một lúc như để nuốt nước mắt vào trong, rồi bà đứng bật dậy nhìn ra cổng gọi với theo như anh Quân vừa mới đi qua:

- Quân ơi, quay lại đây cho bà nhìn mặt cháu một chút, đừng bỏ bà mà đi như thế, cháu ơi!

Trong khi bà cháu tôi nói chuyện về anh Quân thì ông nội cứ thản nhiên vừa ngồi cuộn thuốc lá điếu vừa hút thuốc. Đôi mắt ông xa xăm nhìn những làn khói thuốc cong cong trắng đục bay lên trần nhà, rồi bỗng ông nghiêm giọng quay sang nói với bà:

- Bà đừng cả nghĩ như thế, thằng Quân lúc nào cũng là cháu của bà, thương nhớ bà, chẳng qua đây là vì nhiệm vụ của cách mạng. Bà ơi, cách mạng nước nhà đã chuyển sang giai đoạn khác rồi. Bây giờ không phải thằng Pháp mà chính chúng ta mới là đối tượng của cách mạng, bà có hiểu không? Chúng ta đã suốt đời đi theo đảng, theo Bác Hồ, thì lẽ nào giờ đây chúng ta lại tiếc phần đời ngắn ngủi còn lại này mà không dám hy sinh cho trọn tình trọn nghĩa với cách mạng hở bà? Thằng Quân vì nhiệm vụ cách mạng nên không giám gặp mặt ông bà, thì chúng ta cũng phải vì cách mạng mà thông cảm cho cháu chứ, bà thấy có phải không?

Rồi ông nội quay sang hai anh em tôi thân ái dặn dò:

- Nay phải đi ở cho người ta, công việc vất vả mà lại phải xa ông bà, xa mẹ và anh em, các cháu sẽ nhớ nhà lắm đó, các cháu có hiểu không? Nhưng ở nhà thì chết đói cả nút. Thôi các cháu cố gắng tự đi kiếm cơm để cho mẹ các cháu bớt khổ được chút nào hay chút đó. Đời mẹ các cháu bị mồ côi cha mẹ từ tấm bé, tưởng về làm dâu ông bà sẽ được ông bà giúp đỡ, nào ngờ ông bà lại làm mẹ cháu khổ hơn. Ông bà thương thương lắm mà đành chịu các cháu ạ! Các cháu đừng trách ông bà nhé!

Ông nội nói xong âu yếm xoa đầu tôi, còn bà nội thì ôm lấy em trai tôi nước mắt rơi lã chã. Em trai tôi không hiểu sao cứ ôm chặt lấy bà nội và khóc như chưa bao giờ được khóc. Rồi chúng tôi lưu luyến chia tay ông bà nội hẹn sẽ về thăm ông bà thường xuyên. Nhưng không ai ngờ, khi bà nội tôi ốm, đói lã rồi qua đời một năm sau đó, cả hai anh em tôi đều đang đi chăn bò cho người ta ở nơi xa nên không biết được để về tiễn đưa bà nội.

(Còn tiếp)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo