Gửi ông chủ tịch quốc hội - Dân Làm Báo

Gửi ông chủ tịch quốc hội

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Hay tin ông lại tiếp tục có một phát ngôn “ấn tượng”. Tôi đã vào mạng và tìm thấy trong bài viết “Làm sao mà đem kỷ luật Quốc hội được” của báo VnEconomy. Nguyên văn “Nhân dân bầu lên Quốc hội để thay mặt nhân dân, làm sao mà đem kỷ luật Quốc hội được, không có đâu”. Đây là lời giải thích của ông khi có ý kiến cho rằng “Quốc hội không thể vô can” trong cuộc họp ủy ban thường vụ quốc hội ngày 21/2/2014 để bàn về luật đầu tư công. Tôi cũng đọc hàng loạt các bài viết xung quanh câu nói trên. Đọc chúng, nếu có lòng tự trọng hẳn ông đã phải cảm thấy rất xấu hổ. Định thôi không viết gì. Nhưng chợt hình dung ra cái miệng rộng với cặp môi mỏng hình chữ V lộn ngược đang đưa đẩy để... Không tài nào nhịn được... tôi buộc phải có vài dòng gửi đến ông. Tất nhiên là bàn về sự “ấn tượng” của câu nói. 

Trước tiên xin nói qua một chút về “ấn tượng”. Theo “Từ điển tiếng Việt” thì “ấn tượng” có nghĩa: “Trạng thái của ý thức ở giai đoạn cảm tính xen lẫn với cảm xúc, do tác động của thế giới bên ngoài gây ra”. Vốn là danh từ nhưng khi đứng sau một danh từ khác nó còn làm nhiệm vụ của một tính từ bổ nghĩa cho danh từ đó. Chẳng hạn hành động ấn tượng, hình ảnh ấn tượng, phát ngôn ấn tượng chỉ các hành động, hình ảnh, phát ngôn mà người chứng kiến ngoài cảm tính còn thêm cảm xúc về chúng. Cảm xúc của mỗi người chứng kiến với cùng một “...ấn tượng” cũng rất đa dạng. Chẳng hạn khi xem cuốn phim thời sự tường thuật lại cảnh đấu tố, xử tử trong cải cách ruộng đất trước đây. Người thì thương xót, người thì căm thù, người thì có cả hai. Hoặc mấy năm trước khán giả đã từng vừa buồn cười, vừa khinh bỉ, vừa tức giận khi nghe ông nghị Nguyễn Tiến Cảnh phát ngôn: “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường cao tốc. Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao nên tôi đề nghị phải xây” để thuyết phục quốc hội đồng ý dự án xây đường sắt cao tốc. 

Trở lại với phát ngôn của ông. Đây là câu giải thích ngắn gọn cho lý do “không kỷ luật quốc hội”. Mặc dù ngắn gọn nhưng ông đã dùng tới hai mệnh đề nhân quả liên kết với nhau. Đó là: Nhân dân bầu ra quốc hội nên quốc hội là đại diện của dân, quốc hội là đại diện của dân thì không thể kỷ luật được. Kết quả của mệnh đề đầu “quốc hội là đại diện của dân” là nguyên nhân của mệnh đề sau. Kết quả cuối cùng “không kỷ luật quốc hội” cũng chính là cái đích mà lời giải thích của ông nhằm đến. Và nó chỉ đúng khi nguyên nhân xuất phát đúng và cả hai phép suy luận đều đúng. 

Tuy nhiên chỉ cần thấy “quốc hội là đại diện của dân” trong câu nói của ông là người nghe đã biết ngay là ông nói láo vì:

- Đại diện của dân gì mà có tới hơn 90% đảng viên trong thành phần. 

- Đại diện của dân gì mà kỳ họp nào cũng thấy Hùng, Dũng, Sang, Trọng bốn ông to nhất của BCT ngồi lù lù ở hàng ghế đầu. 

- Đại diện của dân gì mà thành phần có tất cả các quan đầu tỉnh là bí thư tỉnh ủy. 

- Đại diện của dân gì mà bỏ mặc không tiếp dân oan hàng bao nhiêu năm nay, không đoái hoài gì tới ngư dân bị bắn giết bắt bớ ở Hoàng Sa, Trường Sa. 

- Đại diện của dân gì mà hoàn toàn im lặng đồng lõa với nhà nước đàn áp, bắt bớ người yêu nước biểu tình chống Trung Quốc xâm lược .

- Đại diện của dân gì mà đồng loạt thông qua điều luật hợp pháp hóa việc cướp đất của dân. 

- Đại diện của dân gì mà năm nào cũng họp vài tháng tốn kém biết bao tiền của nhưng đất nước thì ngày càng tụt hậu, chìm sâu vào tham nhũng, nợ nần, ....

- Đại diện của dân gì mà...

Thực ra “quốc hội là đại diện của dân” của ông cũng chẳng có gì là mới mẻ nó cũng như “nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “cán bộ là công bộc của dân” ra rả suốt ngày trên đài phường, báo đảng hết năm này qua năm khác. Ông chỉ nhắc lại, nhưng vì là chủ tịch quốc hội là ủy viên BCT là người mà miệng “có gang, có thép” nên nó đã được phong từ “nói láo” thành “ấn tượng”. 

Dừng lại ở đây có thể đủ để kết luận về sự “ấn tượng” trong câu nói của ông. Nhưng tôi vẫn muốn nói thêm một chút nữa để trả lời câu hỏi tại sao quốc hội Việt Nam lại không phải là đại diện của dân? 

Hẳn là ông và đồng đảng biết rất rõ câu trả lời này nhưng không bao giờ dám nói ra. Đúng là nhân dân có bầu ra quốc hội thật. Nhưng đi bầu thế nào? 

Là một người dân trong độ tuổi đi bầu. Kỳ bầu cử nào tôi cũng được tuyên truyền, nhắc nhở, thúc giục để đến ngày, tới địa điểm, lấy phiếu bầu, gạch những đại biểu mà mình không bầu. Những người ốm đau bệnh tật không đi được, không nhờ người bầu hộ được sẽ có người chở hòm phiếu đến tận nhà, đưa phiếu bầu thậm chí giúp cho cả việc gạch tên. Học sinh, sinh viên, cán bộ trong cơ quan nhà nước nếu không bầu cử sẽ bị nhắc nhở phê bình, cảnh cáo, thậm chí bị đuổi học, đuổi việc là cầm chắc. Nhiều học sinh, sinh viên đã bầu cử ở trường nhưng ở địa phương thấy có trong danh sách gia đình sợ con em bị nhà trương kỷ luật nên bầu hộ thế là bỏ phiếu hai lần. Không loại trừ những trường hợp không đi bầu ban kiểm phiếu là người của đảng đã nhét thêm phiếu gạch tên sẵn để cho đủ số lượng và thêm phiếu cho những người dự kiến trúng cử. Chính vì vậy số cử tri đi bầu thường đạt con số rất cao trên 90%. 

Và bầu những ai? 

Đa số người dân tới ngày bầu cử mới biết danh sách ứng cử, đề cử trong phiếu bầu. Những người trong danh sách đa phần là đảng viên. Các đảng viên trong danh sách là các đại biểu được tổ chức đảng đề cử vì là đảng viên thì không được tự ý ứng cử. Những người ngoài đảng nếu có trong danh sách là những người đã được cân nhắc, chọn lọc qua nhiều lần hội nghị hiệp thương của mặt trần tổ quốc- một tổ chức chân rết của đảng. Những ông lớn mà ở quê có nhiều tai tiếng thi đưa tít đi những nơi xa lắc để bầu. Chẳng hạn như ông Nguyễn Tấn Dũng gốc gác ở Kiên Giang nhưng lại đưa ra bầu ở Hải Phòng để cử tri không hay biết gì vè cái nhà thờ họ to đùng của ông. 

Bởi vậy không lạ gì khi quốc hội có tới hơn 90% đảng viên, những ông lớn trong BCT, các bí thư tỉnh ủy đều là đại biểu trúng cử với số phiếu rất cao. 

Trong quốc hội lại có cả cơ quan đảng đoàn:

“Vai trò lãnh đạo rõ rệt nhất của đảng Cộng sản đối với Quốc hội là cơ quan đảng đoàn Quốc hội. Đây là một tổ chức của đảng Cộng sản trong Quốc hội, gồm các đảng viên nắm vai trò trọng yếu trong Quốc hội như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên ủy ban thường vụ quốc hội đảng đoàn Quốc hội chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư và các Ủy viên đảng đoàn đều do Bộ Chính trị chỉ định.

Về danh nghĩa, đảng đoàn Quốc hội là một tổ chức có tư cách pháp nhân có con dấu độc lập. Trên thực tế, các hoạt động của Quốc hội đều được Bộ Chính trị và Ban Bí thư định hướng gián tiếp thông qua đảng đoàn Quốc hội.

Nhiệm vụ của đảng đoàn Quốc hội

1. Lãnh đạo Quốc hội thực hiện đúng đắn đường lối, chủ trương, nghị quyết của đảng.

2. Thực hiện các nghị quyết của đảng về tổ chức, cán bộ; quyết định những vấn đề về tổ chức, cán bộ theo sự phân công, phân cấp của Bộ Chính trị.

3. Kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của đảng trong hoạt động của Quốc hội.

4. Được triệu tập đảng viên hoặc đại diện đảng viên ở các đoàn đại biểu Quốc hội để bàn chủ trương và biện pháp thực hiện nghị quyết của đảng trong Quốc hội.

5. Báo cáo và kiến nghị với cấp ủy có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với đảng viên là đại biểu Quốc hội vi phạm nguyên tắc kỷ luật đảng trong hoạt động Quốc hội.

6. Chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những đề xuất và các quyết định của đảng đoàn.

7. Phối hợp với đảng ủy khối và đảng ủy cơ quan xây dựng đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội trong sạch, vững mạnh.

Vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị

Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị:

- Những vấn đề Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến khác với ý kiến bộ chính trị trước khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua (nếu có).

- Về định hướng trọng tâm hoạt động giám sát trong cả nhiệm kỳ của Quốc hội.

- Về việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có sai phạm.

- Về kết quả giám sát, các kiến nghị, đề xuất sau giám sát đối với việc thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các chủ trương lớn của đảng có ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; kiến nghị xử lý các vi phạm, kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị quản lý.

- Kiến nghị xử lý về trách nhiệm cá nhân cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý khi có vi phạm trong hoạt động Quốc hội.

- Những vấn đề khác đảng đoàn Quốc hội thấy cần xin ý kiến Bộ Chính trị.

Vấn đề thuộc thẩm quyền của ban bí thư đảng đoàn Quốc hội trình Ban Bí thư:

“Kiến nghị xử lý về trách nhiệm cá nhân cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý khi có vi phạm trong hoạt động Quốc hội” (trích Wikipedia tiếng Việt). 

Một quốc hội như vậy thì là của đảng hay của dân? Thưa ông chủ tịch!

Mà ngay cả khi được nhân dân bầu một cách thực sự. Nghĩa là dân được quyền chọn đại biểu, bầu không bị định hướng ép buộc, có quốc tế giám sát. Nhưng không có tam quyền phân lập, không tôn trọng các quyền tự do của con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thành lập hội, tự do tôn giao... thì cái quốc hội bầu ra ấy không sớm thì muộn cũng trở thành công cụ của một thể chế độc tài. Mà chế độ cộng sản Việt Nam thì hoàn toàn không có những điều này. Như vậy cái mệnh đề nhân quả của ông nó vừa sai về mặt giả thiết vừa sai về cả suy luận nên kết quả là láo khoét là không tránh khỏi. 

Định dừng lại ở đây nhưng chợt nhớ mệnh đề nhân quả thứ hai trong câu nói của ông chưa được đả động gì đến. Thế là tôi lại đổi ý và tiếp tục và lấy đó làm phần kết cho bài viết này. 

Mệnh đề thứ hai là phần sau trong câu nói của ông “làm sao mà đem kỷ luật Quốc hội được, không có đâu”. Câu này ngoài việc giải thích cho ý kiến thắc mắc “Quốc hội không thể vô can” còn có ý nghĩa trấn an cho các đồng chí và bản thân ông qua việc nhấn mạnh ”không có đâu” ở cuối câu. Tôi không rõ ở các nước tự do dân chủ mà quốc hội thực sự đại diện cho dân người ta kỷ luật quốc hội như thế nào nên không muốn nói về tính logic của mệnh đề này. Chỉ biết cái giả thiết của nó là sai bét. Đang bí để nói thêm về sự 'ấn tượng” trong câu nói của ông, chợt nhớ tới có người diễn giải ý câu nói về câu nói của ông đại để là “Ai bảo chúng mày bầu chúng ông lên nên chúng ông làm sai thì chúng mày phải chịu”. Bèn phát hiện ra ngoài “láo lếu” câu nói của ông còn có một ấn tượng nữa mạnh hơn là “xỏ lá”. Có lẽ đến thời điểm này đây là phát ngôn “ấn tượng” nhất trong các phát ngôn “ấn tượng” của ông.

4/2014

Trần Hoàng Lan


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo